“Chúng tôi đã có ý kiến chỉ đạo làm rõ. Công an huyện Cư Kuin đang làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định” – Đại tá Bôn thông tin.
Trước đó, ngày 25/5, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà báo theo quy định của pháp luật hiện hành, Ban Biên tập báo Tiền Phong đã gửi công văn đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này, Công an huyện Cư Kuin và các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đe doạ, bảo vệ nhà báo tác nghiệp và đảm bảo an ninh an toàn trên địa bàn.
Trao đổi với báo Nhà báo & Công luận, ông Phùng Công Sưởng – Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, Đắk Lắk đã có chỉ đạo vào cuộc sớm, có trách nhiệm. Ngoài ra, công an tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc điều tra, trích xuất hình ảnh từ camera để đánh giá tình trạng khai thác đất trái phép…từ đó xác mình tìm hiểu các đối tượng có hành vi gọi điện đe dọa nhà báo.
“Hầu hết các đơn vị đều tích cực vào cuộc để tìm ra thủ phạm, xử lý nghiêm để bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của phóng viên, báo chí trên địa bàn nói chung và báo Tiền Phong nói riêng” – nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ.
Nhà báo Tuấn Nguyễn, phụ trách Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên – người bị doạ giết cho biết cũng đã gửi đơn tố giác kèm file ghi âm cuộc gọi đe doạ và các bằng chứng liên quan sang Công an tỉnh, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03).
Chiều 27/5, ông Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, cho biết đã yêu cầu Chủ tịch xã và Công an xã xác minh, sáng thứ Hai đầu tuần sẽ có báo cáo, giải trình ban đầu.
Ngoài ra, Bí thư Huyện uỷ Cư Kuin cho biết sẽ yêu cầu báo cáo, giải trình cả việc đùn đẩy, trì hoãn cung cấp thông tin liên quan, biên bản xử lý vi phạm các cá nhân san lấp, múc đất chở đi nơi khác trái phép cho báo Tiền Phong.