Qua công trình nghiên cứu khoa học, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thiết kế hệ thống nhận dạng khuôn mặt, thử nghiệm trên thực tế đạt độ chính xác cao.
Sáng 24/5, Sở KH&CN tổ chức hội nghị hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống nhận dạng đối tượng bằng thị giác máy tính phục vụ công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an Hà Tĩnh. |
Đại tá Nguyễn Thanh Liêm – Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ nhiệm đề tài báo cáo tại hội nghị.
Đề tài do Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, Đại tá Nguyễn Thanh Liêm – Phó Giám đốc Công an tỉnh là chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện từ năm 2021 đến nay với mục tiêu nghiên cứu, tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo và đi sâu vào mạng nơron tích chập trong ứng dụng nhận dạng khuôn mặt.
Đề tài tiến hành xây dựng hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính trong việc phát hiện và nhận dạng khuôn mặt đối tượng trong công tác điều tra, làm rõ vụ việc, vụ án phục vụ trực tiếp cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn Hà Tĩnh.
Thị giác máy tính (Computer Vision) là lĩnh vực khoa học máy tính tập trung vào việc tái tạo các phần phức tạp của hệ thống thị giác con người và cho phép máy tính xác định và xử lý các đối tượng trong hình ảnh và video giống như cách con người làm. |
Ông Lê Văn Dũng – Sở TT&TT (Ủy viên phản biện 1) phản biện tại hội nghị.
Đến nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành phần mềm nhận dạng đối tượng; thu thập hơn 1.000 đối tượng với các ảnh khuôn mặt từ nhiều góc chụp khác nhau. Ngoài việc nhận diện trực tiếp, nhóm nghiên cứu còn thiết kế phần mềm nhận diện bằng hình ảnh đối tượng đã được trích xuất từ các nguồn khác.
Đặc biệt, sau khi hoàn thiện phần mềm, nhóm nghiên cứu đã triển khai thí điểm hệ thống tại một số ngã tư để thu thập thêm dữ liệu và đánh giá hiệu quả của hệ thống trong các tình huống khác nhau. Đồng thời, triển khai thí điểm tại Trại tạm giam Công an tỉnh, phục vụ hỗ trợ kiểm soát ra, vào phân trại của can phạm nhân, cơ quan tố tụng, cán bộ chiến sỹ… Qua hoạt động, hệ thống đã giúp cho việc kiểm soát và quản lý phạm nhân hiệu quả hơn.
Nhóm nghiên cứu triển khai thí điểm hệ thống nhận dạng trên thực tế.
Qua đề tài nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị cần tiếp tục xây dựng và phát triển các tính năng mới để đáp ứng nhu cầu của công tác nghiệp vụ (ví dụ như nhận dạng biển số xe, nhận dạng hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng…); cho phép triển khai hệ thống nhận dạng đối tượng vào công tác nghiệp vụ của lực lượng công an nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn; thực hiện bảo mật và quản lý dữ liệu hệ thống, đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền riêng tư của người dân…
Tại hội nghị, thành viên hội đồng cũng đã phản biện, tư vấn, góp ý một số nội dung để nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu nghiệm thu, đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc. Đồng thời yêu cầu nhóm thực hiện đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng, hoàn thiện báo cáo để công nhận kết quả nghiên cứu.
Dương Chiến