Đã nhiều năm trôi qua, hành trình đi tìm hài cốt cha của anh Phạm Bá Trí (trú tại quận Thuận Hóa, thành phố Huế, phóng viên báo Huế ngày nay) vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Anh Bá Trí cho biết, 6 năm trước, anh đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và đã tìm thấy tên cha mình trong một tập hồ sơ được lưu trữ tại đơn vị này.

Nhà báo Phạm Bá Trí bên những trang thư đã cũ của người cha chưa thể nhớ mặt. Ảnh: Vi Thảo  

Khi đó, cơ quan chức năng nhận định, hài cốt liệt sỹ Phạm Bá Hải có thể đã được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, nằm trong các phần mộ chưa xác định được thông tin.

Từ khi phát hiện thông tin đến nay, gia đình nhà báo Bá Trí luôn ngóng chờ kết quả gen từ ngân hàng ADN của nghĩa trang để làm hồ sơ so sánh, có cơ sở tiếp tục tìm kiếm phần mộ liệt sỹ Phạm Bá Hải.

Theo bà Nguyễn Thị Lan (71 tuổi, là y tá tại Bệnh viện Trung ương Huế đã nghỉ hưu), vợ liệt sỹ Phạm Bá Hải, tháng 11/1977, chồng bà và nhiều thanh niên cùng trang lứa tình nguyện lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Thời điểm đó, bà mới sinh con trai đầu và cũng là con duy nhất của hai vợ chồng được 3 ngày.

Sau thời gian huấn luyện tại Đồng Hới (Quảng Bình), chồng bà Lan và đồng đội được biên chế về Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) thuộc Bộ Tư lệnh Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).

Đến khoảng tháng 3/1978, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 của anh lính Phạm Bá Hải được điều động đến đóng quân tại pháo đài Đồng Đăng, có nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới từ cửa khẩu Tam Thanh đến cột mốc 25 bản Nà Bàn và tuyến đường sắt Hữu Nghị, thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Bà Nguyễn Thị Lan bên di ảnh chồng, liệt sỹ Phạm Bá Hải (Ảnh: Vi Thảo). 

"Mẹ kể, khi tôi tròn 4 tháng tuổi, cha được nghỉ phép ít ngày. Ở nhà bồng con chưa kịp quen hơi, 3 ngày sau ông lại phải khoác ba lô trở về đơn vị. Từ đó, bao tình cảm, niềm thương nhớ về gia đình, vợ con, cha tôi đều gửi gắm qua những lá thư từ nơi địa đầu tổ quốc.

Đến khi tôi tròn 15 tháng tuổi, gia đình nhận giấy báo tử. Ông đã hy sinh tại pháo đài Đồng Đăng, ngay trong buổi sáng đầu tiên xảy ra cuộc chiến. Tôi chưa một lần biết mặt người thân sinh ra mình.

Chân dung cha trong tôi hình thành từ những câu chuyện kể của mẹ, qua di ảnh và những trang thư đầy ắp tình yêu thương mà bà cất giữ cẩn thận", nhà báo Bá Trí chia sẻ.

 Nhà báo Phạm Bá Trí trong một chuyến đi tìm hài cốt cha tại các nghĩa trang liệt sỹ ở Lạng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Anh Trí cho biết, khi liệt sỹ Phạm Bá Hải hy sinh, mẹ anh một mình tảo tần nuôi con khôn lớn. Ngoài công việc tại Bệnh viện Trung ương Huế, bà Lan còn tranh thủ thời gian rảnh, đạp xe đến các cơ sở kinh doanh, nhận từng bao lạc về nhà cặm cụi bóc vỏ để kiếm thêm thu nhập.

Bà cũng hay đưa anh Trí về quê ngoại xin khoai, sắn, đưa lên thành phố nuôi con ăn học trong những ngày gian khó của thời bao cấp.

"Còn nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần tôi đòi cha, mẹ tôi thường nói dối ông đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương chưa được về. Mãi sau này khi đã trưởng thành, tôi mới biết, cha đã hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Đến hôm nay, niềm mong ước lớn nhất của gia đình tôi là tìm được hài cốt của ông để đưa cha về quê hương", anh Bá Trí ngậm ngùi.

Liệt sỹ Phạm Bá Hải (SN 1953, quê Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) hy sinh ngày 17/2/1979 tại pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Nhà báo Phạm Bá Trí (SN 1977) là con trai duy nhất của liệt sỹ Phạm Bá Hải và vợ là bà Nguyễn Thị Lan. Hiện, anh công tác tại báo Huế ngày nay (tiền thân là báo Thừa Thiên Huế).


Theo dantri.com.vn