Một người đàn ông đi làm xa nhà đã di chuyển hơn 1.000km từ Chiết Giang về Hồ Nam (Trung quốc) để trói con trai đưa tới đồn cảnh sát. Cuộc gặp đầy xung đột của hai cha con diễn ra trên đường phố. Trước đó, người cha đã được cô giáo gọi điện thông báo rằng con anh đã bỏ học và bắt đầu hút thuốc, uống rượu.
Trước khi người cha có thể đưa con trai tới đồn cảnh sát, cảnh sát đã… có mặt để giải tán đám đông mất trật tự và yêu cầu hai cha con giữ bình tĩnh để giải quyết sự việc. Một nhân viên cảnh sát tham gia xử lý sự việc đã trò chuyện với cả hai cha con, trước khi yêu cầu họ không tiếp tục gây mất trật tự trên đường phố và về nhà từ tốn đối thoại.
Nhân viên cảnh sát chia sẻ với truyền thông địa phương: “Tôi đã nhấn mạnh với cậu thiếu niên rằng cháu đang ở độ tuổi đến trường nên cần quay lại trường học, tiếp tục việc học. Tôi cũng nói với người cha rằng chuyện gia đình cần phải được giải quyết trong nội bộ gia đình.
Tôi cũng khuyên anh ấy cần quan tâm tới con hơn, tâm lý hơn và nên đối thoại trong không khí đầm ấm, thay vì gây nên cảnh tượng xấu trên đường phố, như vậy sẽ lợi bất cập hại”.
Quả thực, hình ảnh hai cha con vật lộn trên đường phố đã bị người qua đường ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội.
Theo một số người dân địa phương quen biết gia đình người đàn ông, anh và mẹ của con trai đã ly hôn, hiện không rõ thông tin về người mẹ.
Tại Trung Quốc, chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc kéo dài 9 năm. Cậu thiếu niên đang ở tuổi 15, nghĩa là cậu đã gần hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc. Sau đó, tùy thuộc vào năng lực và thiên hướng, cậu có thể chuyển sang học tại các trường nghề.
Việc cậu thiếu niên cố gắng hoàn tất chương trình giáo dục bắt buộc để có thể chuyển sang học nghề và trở thành lao động đã qua đào tạo, là một hướng đi tốt đẹp cho tương lai của cậu.
Vì vậy, việc người cha gấp rút di chuyển “ngàn dặm” về gặp con để yêu cầu con quay lại trường học là hợp lý. Dù vậy, cách thức dạy con của người cha khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, ái ngại.
Trước cảnh tượng được ghi lại, nhiều người thể hiện sự thương cảm dành cho người cha đi làm xa nhà, bởi anh hẳn rất lo lắng cho con nên mới ngay lập tức gác lại mọi công việc để về quê gặp con.
Dù vậy, động thái trói con và dọa đưa tới đồn cảnh sát không thể là giải pháp thuyết phục con anh quay lại trường học. Thậm chí, trước sự quá khích của cha, sự đánh giá của người xung quanh và nội dung lan truyền trên mạng xã hội, cậu thiếu niên sẽ càng bị ảnh hưởng tiêu cực, trở nên ngang bướng, bất cần.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/con-trai-bo-hoc-tap-hut-thuoc-va-hanh-dong-gay-soc-cua-nguoi-cha-20240922115539365.htm