Chặn hàng hóa không đủ tiêu chuẩn từ sớm
Chiều 5/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quan tâm phát biểu ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình tại Hội nghị hôm nay…
Đại biểu Phạm Đình Thanh bày tỏ thống nhất việc bổ sung quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức chứ không phải chỉ là cá nhân như dự thảo luật trình xin ý kiến trước đây.
Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho rằng nội dung này đã được tiếp thu, bổ sung nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện tương sớm, kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng từ sớm, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, ngoài các nội dung dự thảo Luật quy định, cần thiết bổ sung thêm quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức trong trường hợp cụ thể phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc gây thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng…
Đặc biệt là những sản phẩm, hàng hóa mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như lương thực, thực phẩm. Ví dụ như: Hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn, tình trạng trồng rau hai luống, lợn hai chuồng; tình trạng bơm nước, tạp chất vào thịt, cá, tôm để đưa đi tiêu thụ xuất hiện rất nhiều.
Đại biểu dẫn chứng, thời gian qua, trong thực tế đã xảy ra vụ việc người tiêu dùng, nhất là công nhân khu công nghiệp, học sinh trường học đã trở thành nạn nhân của các hành vi này. Rất nhiều trường hợp đã bị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thức ăn…
Ông cho rằng, những hành vi này nếu được phát hiện, ngăn chặn từ sớm trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển thì những sản phẩm hàng hóa này sẽ không đến tay người tiêu dùng và sẽ không gây thiệt hại đối với người tiêu dùng như xảy ra thời gian vừa qua.
Xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá
Cơ bản thống nhất nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) góp ý vào khoản 6 Điều 4 về quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hoá cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hoá có khuyết tật mà còn với sản phẩm, hàng hoá không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Về quy định các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhận thấy, quy định như dự thảo không thống nhất với các quy định tại các Điều 100, Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Do đó, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, các quy định về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ở trạng thái “vừa thừa, vừa thiếu”, không đảm bảo thống nhất với các quy định về thủ tục tố tụng trong hệ thống pháp luật, chưa sát với tình hình xử lý trong thực tiễn.
Đại biểu cho rằng, những nội dung quy định này dễ gây áp dụng không thống nhất khi luật được ban hành, do vậy, cần tiếp tục rà soát, tổng kết từ các vụ việc thực tiễn, từ công tác xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có quy định khả thi, sát với thực tế, hạn chế các trường hợp bỏ sót tình tiết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.
Ngoài ra, đối với quy định về hợp đồng theo mẫu, đại biểu đề nghị cần quy định về cỡ chữ trong hợp đồng theo mẫu để người tiêu dùng có thể dễ dàng nắm bắt toàn bộ thông tin về hợp đồng trước khi ký hợp đồng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giao dịch.
Xem thêm:
>>> ĐBQH đề xuất nghiên cứu đàm phán giá đối với thiết bị, vật tư y tế
>>> Khoảng 11,5 triệu lượt góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
>>> ĐBQH: Ngành y là ngành đặc thù, cần làm rõ quy định về đấu thầu thuốc