Được thực hiện năm 2023, “Đào, phở và piano” được khởi chiếu vào ngày mùng 1 Tết tại một địa điểm duy nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và có ít khung giờ.
Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau, bộ phim bỗng nhiên gây sự chú ý nhờ các bài đánh giá trên mạng xã hội. Nhu cầu xem phim của khán giả tăng mạnh, từ ngày 19/2, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã tăng 18 ca một ngày, sắp xếp tại các phòng chiếu lớn nhất, sức chứa 402 chỗ.
Tiếp nối “Mai”, bộ phim đặt hàng mỗi ngày nhận được review nhiều hơn trên mạng xã hội, trở thành “hiện tượng chưa từng có” của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia khi hệ thống đặt vé bị sập vì quá tải. Cục Điện ảnh sau đó đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho chiếu bộ phim này trên toàn quốc.
Sau đề xuất này, hai cụm rạp tư nhân là Cinestar và Beta nhập cuộc. Ngày 21/2, Beta mở bán vé trực tiếp tại các cụm rạp ở Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Bình Dương. Hiện đơn vị đã mở rộng suất chiếu đến các thành phố như Bắc Giang, Biên Hòa, Thanh Hóa, Nha Trang. Tại một cụm rạp Beta tại TPHCM, ban đầu dự định chiếu lúc 15h và 16h20 nhưng do nhu cầu khán giả tăng nên mở thêm hai suất buổi tối. Đến 14h30, suất cuối cùng trong ngày lúc 23h35 chỉ còn vài ghế ở hàng đầu.
Điều đặc biệt là phim kinh phí nhà nước vì thế các rạp nhận chiếu đều với mục đích phi lợi nhuận, bởi theo quy định tài chính, toàn bộ doanh thu bán vé từ bộ phim làm bằng kinh phí nhà nước đều phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo đánh giá của một đơn vị quan sát phòng vé độc lập, từ lúc phim “Đào, phở và piano” gây chú ý đến nay, tỷ lệ lấp đầy suất chiếu chạm mức 99%.
Tất nhiên, “Đào, phở và piano” không phải là bộ phim đầu tiên do Nhà nước đặt hàng gây sốt. Trước đó, đã từng có những bộ phim đặt hàng không những thành công về nghệ thuật mà còn đạt doanh thu phòng vé như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015) của Victor Vũ, “Mùa len trâu” (2005) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Trong đó, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã có doanh thu hơn 80 tỷ đồng, đồng thời đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, diễn ra tháng 12/2015.
“Đào, phở và piano” gây sốt trong bối cảnh “Mai” đang tạo ra cơn sốt phòng vé. Chắc chắn, có ảnh hưởng “lây lan” trong không khí ùn ùn đến rạp của khán giả, hết vé phim này thì mua tạm phim khác để xem. Và khi xem rồi, người ta nhận ra nó đáng để xem, từ đó lan truyền thông tin về phim trên mạng xã hội.
Và cũng như phim “Mai”, chúng tôi cho rằng “Đào, phở và piano” không kéo khán giả đến rạp chỉ từ vài lời review, chắc chắn nó phải có gì đó, mà “cái gì đó” ở phim này, chắc sẽ khác ở phim kia.
Nhưng việc “Đào, phở và piano” tình cờ “thoát nạn” phim đặt hàng chiếu vài suất lấy lệ ở một cụm rạp nhà nước cho thấy một khía cạnh khác của thị trường điện ảnh. Đó là truyền thông. Phim “Mai” từ đầu không phải tự nhiên “ăn khách”. Nó phải được làm từ chiến lược truyền thông. Mà thời nay, không có gì lan truyền nhanh bằng mạng xã hội.
Trong khi phim Nhà nước đặt hàng từ trước đến giờ vốn không chú trọng khía cạnh truyền thông, tiền Nhà nước bỏ ra rồi, không cần tiếp cận thị trường.
Nhưng điện ảnh Việt Nam rực rỡ suốt những năm tháng làm phim bao cấp đầy rẫy phim hay và như vừa kể trong cơ chế thị trường, phim Nhà nước đặt hàng cũng vẫn có những bộ phim xuất sắc thành công cả về doanh thu. Chỉ là người ta đã bỏ qua vấn đề truyền thông.
Cơn sốt phòng vé của “Mai” hay “Đào, phở và piano” đang đặt ra cho điện ảnh những vấn đề để thực sự trở thành một thị trường điện ảnh phát triển thì cần phải thay đổi. Nhất là khi đang có một cơ hội lớn là thị trường đã tăng trưởng, khán giả đã sẵn lòng bỏ tiền mua vé và đã thực sự quan tâm đến phim Việt Nam.