Bấm vào đường link đăng ký khóa tu tại một ngôi chùa ở tỉnh Vĩnh Phúc vào đầu tháng 3, Hải An nhận ra hơn 1.000 người đã xếp hàng trước mình.
Nữ sinh viên năm ba một trường đại học ở Hà Nội vừa điền thông tin xong đường dẫn cũng đóng, không tiếp nhận thêm vì “đã đủ người” sau gần 90 phút.
“Đăng ký tham gia khó hơn săn khuyến mại. Muốn mua lại suất của người đã đăng ký cũng không có”, An nói. Trượt cơ hội trở thành khóa sinh đợt đầu, cô gái 20 tuổi hy vọng sẽ đăng ký thành công ở đợt bổ sung. Lần này, cô sẽ canh trước thời gian mở đăng ký 30 phút.
Từng “rình” và đăng ký thành công bốn khóa tu, Thu Thảo, 21 tuổi, quê Hưng Yên hiểu tâm trạng của An.
Thảo cho biết các khóa tu ngắn ngày (thường vào cuối tuần) những người trẻ sẽ được đưa đến chùa, thiền viện và nghe sư thầy giảng pháp. Buổi chiều họ được tham gia văn nghệ, thi trình diễn tài năng. Ngoài cơm chay do nhà chùa chuẩn bị, các khóa sinh còn được dự tiệc trà buổi tối và được chia sẻ tâm tư. Ngày thứ hai, mọi người tiếp tục nghe các thầy giảng pháp và tham gia trò chơi theo chủ đề.
Nhắc về khóa tu ấn tượng nhất, Thảo kể lần đến Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức ở tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 với hơn 1.000 khóa sinh. “Tối đến, mọi người thắp 1.000 ngọn nến ở ngoài cổng tam quan làm rực sáng một góc trời, nhìn xa như lễ hội hoa đăng giữa dòng sông uốn lượn”, Thảo nói. Khóa tu ở chùa không giống đi du lịch và cũng khác học kỳ quân đội. Tại đây, khóa sinh ăn chay, học kiến thức Phật pháp, kết bạn với nhiều người. Từ một cô gái nhút nhát Thảo trở nên bạo dạn, tự tin thể hiện bản thân trước đám đông. Đó là lý do khiến nữ sinh viên không bỏ sót khóa tu nào, chỉ cần không trùng lịch học.
Huyền Thanh, chủ nhiệm nhóm Sinh viên sống không hối tiếc – chuyên tổ chức các khóa tu cho người trẻ tại Hà Nội – nói số sinh viên đăng ký các khóa tu tăng vọt những năm gần đây.
Trước năm 2018, mỗi khóa thu hút chưa đến 100 người. Sau dịch Covid, nhiều khóa tu tiếp nhận tới hơn 5.000 người đăng ký trong khi chỉ có thể tiếp nhận tối đa 2.000 người bởi khuôn viên cũng như nguồn lực của nhà chùa có hạn.
Ngoài nhóm của Huyền Thanh, ở miền Bắc còn một hội nhóm khác cũng chuyên tổ chức các khóa tu cho sinh viên, mỗi đợt 4.000-5.000 người.
“Trước đây các khóa tu miễn phí, nhưng từ năm 2022 chúng tôi thu một phần chi phí đi lại để các khóa sinh có trách nhiệm với việc đăng ký. Mọi hoạt động còn lại trong hai ngày tu tập đều do nhà chùa đài thọ”, Thanh nói.
Dù phải đóng tiền nhưng lượng người đăng ký không giảm. Không ít lần đường dẫn đến trang đăng ký vừa mở, fanpage của nhóm đã “bùng nổ” tin nhắn với mong muốn mở thêm suất hoặc tìm người nhượng lại suất. Chủ nhiệm nhóm khẳng định đây là hoạt động thiện nguyện, không thể mua bán hay đổi chác.
Giải thích việc giới trẻ hào hứng với các khóa tu, Huyền Thanh cho hay trước đây nhiều người quan niệm hoạt động này chỉ dành cho phật tử, yêu cầu sự tĩnh lặng tuyệt đối để tu tập hoặc thiền. Tuy nhiên hiện nay khóa tu dành cho giới trẻ có sự khác biệt bởi những hoạt động đánh trúng tâm lý như tham gia văn nghệ, đốt lửa trại, tiệc trà hoặc nghe chia sẻ của người nổi tiếng.
“Mọi người không chỉ vui, giải tỏa tâm lý mà còn tạo hứng thú trong cuộc sống. Trở về ai cũng thấy rõ sự thay đổi trong quan điểm sống, biết chia sẻ những điều tích cực”, Thanh nói.
Thạc sĩ tôn giáo học, đại đức Thích Khải Thành, trụ trì chùa Pháp Bảo ở Biên Hòa, Đồng Nai, giảng sư của hơn 200 khóa tu, nhận thấy trước đây người đến với Phật giáo đa số là trung cao niên, nhưng nay khóa tu được trẻ hóa với số lượng thanh thiếu niên tăng rõ rệt.
Đại đức nêu bốn lý do chính khiến người trẻ dần quan tâm đến khóa tu. Một là các chủ đề, nội dung của khóa tu cho thanh thiếu niên luôn được tổ chức, tiến hành bài bản. Hai là sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội giúp các bài giảng pháp lan tỏa đến nhiều người hơn. Ba là giới trẻ thấy bình yên, cân bằng cuộc sống và có cơ hội kết nối với nhiều người khi đến các khóa tu tại chùa. Cuối cùng ngoài nghe giảng pháp, người trẻ còn được trang bị kiến thức về các kỹ năng như sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, làm việc nhóm, thuyết trình, tham gia trò chơi bổ ích, các chương trình trò chuyện Phật pháp với người nổi tiếng có tâm, có đức để truyền cảm hứng.
“Nhiều phụ huynh nhận thấy Phật giáo giúp ích nhiều trong việc phát triển nhân cách và đạo đức của con cái, cân bằng tinh thần, biết lấy nhân nghĩa làm lẽ sống, lấy hướng thiện làm niềm vui”, đại đức nói.
Hồng Loan, sinh viên năm cuối Học viện Tài chính, Hà Nội từng dự 6 khóa tu tại các chùa và thiền viện ở miền Bắc tự nhận thấy bản thân thay đổi rõ rệt, biết đối xử nhẹ nhàng hơn với mọi người, không còn cáu gắt vô cớ.
Không chỉ thay đổi nhận thức, Anh Huy, 23 tuổi, quê Thái Bình còn tìm ra định hướng tương lai. Trước khi biết đến các khóa tu, anh gặp áp lực trong công việc, cuộc sống và thường xuyên nghĩ đến hành vi tiêu cực. Nhưng khi được mở lòng, nghe các sư thầy chia sẻ, sau có cơ hội giao lưu với bạn bè và khám phá điểm mạnh của bản thân, Huy tìm thấy hướng đi mới.
“So với việc tự nhốt mình trong phòng khiến tâm trạng bất ổn, khóa tu giúp tôi tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Một khi tinh thần ổn định, xác định được rõ phương hướng, mọi việc ắt hanh thông”, Huy nói.
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Hải Hiền – Quỳnh Nguyễn