Cầu tăng, cung tăng
Chỉ cần gõ từ khóa “toán tư duy” trên Google, hàng loạt các trung tâm được giới thiệu chất lượng tốt ở TP.HCM gợi ý cho phụ huynh (PH) nên cho con tới đăng ký học thử, trải nghiệm về toán tư duy với nhiều mô hình của các quốc gia như toán tư duy Singapore, toán tư duy Nhật Bản, toán tư duy Hoa Kỳ… Có chương trình dạy trực tuyến, chương trình dạy trực tiếp, nơi dạy toán tư duy hoàn toàn tiếng Việt, có chương trình song song tiếng Anh – tiếng Việt.
Các giáo trình được giới thiệu dịch từ nước ngoài, bổ sung sắp xếp cho phù hợp với học sinh (HS) VN, gồm những chủ đề kiến thức theo lứa tuổi (gần gũi với sách giáo khoa toán của Bộ GD-ÐT). Bên cạnh đó còn bao gồm nhiều chủ đề tư duy đặc trưng như tư duy nhóm, tư duy tỷ lệ, quy luật…; hệ thống bài tập thiết kế theo chủ đề (từ cung cấp kiến thức nền tảng đến rèn luyện nâng cao) và hướng vận dụng tư duy…
Trên đường Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8, TP.HCM, một tối trong tuần, phía trước một trung tâm toán tư duy tên K.M, khá đông PH dựng xe chờ đón con tan học. Nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, một trung tâm toán tư duy nằm trên đường Nguyễn Văn Linh vào một sáng thứ bảy cũng tấp nập HS, PH ra vào.
Từng mở các lớp học trực tiếp (offline) từ năm 2011, đến năm 2019 chuyển sang dạy online, số học viên của trung tâm toán tư duy V.S, có trụ sở văn phòng ở Q.7 và TP.Thủ Ðức, TP.HCM, được giới thiệu là có hơn 15.000 học viên, từ độ tuổi mẫu giáo 3 – 4 tuổi. Còn trung tâm toán tư duy A., dạy trực tiếp, đang có 25 trung tâm ở nhiều tỉnh thành ở VN, nói họ đang có 12.000 học viên theo học…
Vì sao phụ huynh “sốt” với toán tư duy?
Cô Trịnh Thị Nghĩa Thảo, giáo viên môn toán Trường quốc tế Á Châu, cho biết: “Hiện nay theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ÐT đã đưa ra mục tiêu dạy và học toán nhằm nâng cao các năng lực toán học như: Năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học… Ngoài ra, sách giáo khoa toán hiện nay cũng đã bổ sung nhiều nội dung thực tiễn, liên môn, mong muốn HS đạt được những năng lực toán học trên”.
“Tuy nhiên thời lượng các tiết dạy khá hạn chế mà đặc điểm của mỗi trẻ là khác nhau nên việc dạy sao cho các con tư duy là một điều giáo viên nào cũng mong muốn nhưng rất khó thực hiện. Các trung tâm toán tư duy lại có nhiều thời gian và không áp lực quá nhiều về điểm số nên việc truyền đạt và hướng dẫn các trẻ em học cách tư duy sẽ hiệu quả hơn”, cô Thảo lý giải về sức hút của các trung tâm toán tư duy thời gian qua, nhất là vào các dịp hè.
Ông Tony Ngô, thạc sĩ Trường Kinh doanh Harvard và cử nhân ÐH Stanford, Việt kiều Mỹ về VN khởi nghiệp, người đồng sáng lập trung tâm Everest Education (chuyên về phát triển tư duy độc lập, logic và kỹ năng toán học cho HS) tại TP.HCM, cho biết trẻ em 3 – 4 tuổi đã có thể học được toán tư duy. Tại Mỹ, nhiều trẻ em 2 tuổi đã được gia đình cho học toán tư duy.
“Trong tương lai thì việc tính nhanh không quan trọng nữa, mà phải áp dụng làm sao vào đời sống để toán học thật sự hữu ích. Toán tư duy dạy về logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, cho trẻ em đi từ hiểu – quyết định giải quyết bằng phương pháp này – làm – kiểm tra lại, do đó ngày càng được PH quan tâm hơn”, ông Tony Ngô nói.
Cô Ngô Thu Hiền, quản lý học thuật trung tâm toán tư duy VISPARK, cho hay khi cha mẹ đi tìm một chương trình học bất kỳ cho con cần phải nắm mục tiêu đưa con đi học là gì. Nhiều người muốn đăng ký học toán tư duy để con có điểm toán cao trên trường. Nhiều người cho con học vì tò mò. Tuy nhiên PH cần biết rõ mục đích của mình, sau đó khi tìm các trung tâm cần biết rõ trung tâm đó dạy theo giáo trình nào. Và rõ ràng học toán tư duy không phải để ngay lập tức lấy điểm toán trên lớp cao. Ðiểm số chỉ là một kết quả trước mắt, không phải là một hướng đi lâu dài bền vững với toán tư duy.
Những sai lầm của phụ huynh
Ông Phạm Châu Lịch, Giám đốc chuyên môn hệ thống toán tư duy Mathnasium VN, chỉ ra nhiều hiểu lầm cơ bản của PH khi cho con đi học toán tư duy. Có PH nghĩ rằng toán tư duy là 1 loại toán khác biệt hoàn toàn so với chương trình toán mà các HS học ở trường theo sách giáo khoa của Bộ GD-ÐT.
Có PH lại hay kỳ vọng và so sánh sự tiến bộ (phát triển tư duy) của con mình với các HS khác mà không để ý rằng việc phát triển tư duy của các em sẽ tùy theo năng lực của từng em. Cha mẹ chỉ nên xem xét và so sánh sự thay đổi của mỗi em theo mỗi giai đoạn học tập của các em để thấy được sự tiến bộ nhiều hay ít.
“Muốn có kỹ năng tư duy thì HS cần có thói quen tư duy. Phần lớn HS lại không có thói quen này mà chỉ có kỹ năng tính toán. Việc hình thành hoặc thay đổi thói quen với HS cần thời gian và theo khả năng từng em. Các em HS càng quen với lối học rập khuôn, máy móc thì càng cần nhiều thời gian để thay đổi”, ông Lịch nói.
Toán tư duy là gì?
Cô Trịnh Thị Nghĩa Thảo cho biết toán tư duy là bộ môn mà sử dụng các con số, hình ảnh, dụng cụ trực quan… nhằm giúp trẻ đạt được các năng lực toán học cũng như các suy nghĩ có tính logic, phân tích, lập luận, tổng hợp và xử lý vấn đề.
Cô Thảo cho hay có PH hiểu nhầm giữa các bài toán khó và các bài toán tư duy. Tư duy ở đây là muốn các con có thể tự mình suy nghĩ, lập luận và phân tích đưa ra các hướng giải các bài toán khó một cách tự tin nhất.
Toán tư duy không phải dạng lặp đi lặp lại các dạng toán mà ở đây nó còn cách suy nghĩ, năng lực tự học, có thể các con sẽ gặp những bài toán chưa bao giờ được hướng dẫn, một vấn đề trong cuộc sống mà các con chưa từng trải qua, và với mỗi đứa trẻ sẽ chọn ra cho mình một giải pháp.
“Giải pháp đó có thể đúng, có thể sai nhưng đó mới là tư duy – quan sát, tổng hợp và cuối cùng là xử lý vấn đề”, cô Thảo nói.