Sau khi con sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đưa Nvidia vào danh sách những doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường, đến lượt các đối tác của hãng sản xuất chip đồ hoạ cũng bay cao.
Tính đến đầu tuần này, vốn hoá TSMC – doanh nghiệp đúc chip hợp đồng lớn nhất thế giới, đã vượt 1.000 tỷ USD. Xét trên cả năm, cổ phiếu công ty đã tăng gần 80%. Morgan Stanley dự báo đà tăng trưởng vốn hoá của công ty Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiếp tục kéo dài sau khi kết quả kinh doanh quý II/2024 được công bố (dự kiến vào ngày 11/7).
Bán dẫn trở thành lĩnh vực dẫn đầu
Một số ước tính cho thấy, TSMC đang sản xuất 90% số lượng vi xử lý tiên tiến toàn cầu và là đối tác cung ứng duy nhất của Nvidia, Apple cũng như những gã khổng lồ công nghệ khác.
Charlie Chan, chuyên gia tại Morgan Stanley nhận định, TSMC “đang đưa ra một thông điệp rằng nguồn cung đúc chip hiện đại có thể bị giới hạn vào năm 2025 và khách hàng sẽ không nhận được đủ công suất nếu không ‘đánh giá cao giá trị của công ty’”.
Tháng trước, CEO TSMC C.C. Wei gợi mở về khả năng công ty xem xét tăng giá các sản phẩm. Trong khi đó Jensen Huang, CEO Nvidia nói rằng, nhu cầu về chip đồ hoạ đang quá lớn khiến ông phải cân nhắc phân bổ số lượng đơn hàng một cách “công bằng”.
Không chỉ TSMC hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Nvidia. Công ty Hà lan ASML – đối tác cung ứng thiết bị cho TSMC, cũng ghi nhận cổ phiếu lần đầu tiên vượt mức 1.000 Euro (1.082 USD) mỗi cổ phiếu vào đầu tuần này. Tính đến thời điểm hiện tại, vốn hoá ASML cũng đã tăng 42%, trị giá 395 tỷ Euro và trở thành công ty lớn thứ ba tại châu Âu, xếp sau gã khổng lồ dược phẩm Novo Nordisk (Đan Mạch) và thương hiệu đồ xa xỉ LVMH (Pháp).
Chuyên gia phân tích Angelo Zino từ công ty giải pháp tài chính CFRA nhận định, “ngành bán dẫn đang dẫn đầu trong nhóm S&P 500” và điều này đã được thể hiện trong suốt 15-18 tháng qua, cho thấy “thế giới đã thay đổi nhiều thế nào”.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, doanh số bán dẫn toàn thế giới, bao gồm mạch tích hợp, bộ vi xử lý và chip nhớ, dự kiến sẽ đạt 611,2 tỷ USD vào năm 2024, một kỷ lục của ngành.
Theo tổ chức thương mại này, doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng 16% vào năm 2024 và thêm 12,5% vào năm 2025.
Khi GPU trở thành “vàng mới”
GPU của Nvidia là một thành phần quan trọng trong các hệ thống AI tổng hợp. Kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11 năm 2022, vốn hóa thị trường của công ty này đã tăng gấp 8 lần.
Vào giữa tháng 6, tập đoàn trụ sở tại Santa Clara, California thậm chí còn nhanh chóng trở thành công ty giao dịch đại chúng có giá trị nhất thế giới, vượt qua Microsoft với 3,3 nghìn tỷ USD.
Các nhà phân tích tại Wedbush Securities cho biết: “Có thể ví chip GPU của Nvidia như vàng hoặc dầu mới trong lĩnh vực công nghệ”. Giới chuyên gia nhận định Nvidia, Apple và Microsoft hiện đang tham gia vào cuộc đua trở thành công ty đầu tiên đạt vốn hoá 4.000 tỷ USD.
Trong khi Nvidia, công ty chỉ thiết kế chip mà không sản xuất, vẫn kín đáo về chuỗi cung ứng, thì nhiều người tin rằng phần lớn sản phẩm của họ đều do TSMC sản xuất.
Gã khổng lồ Đài Loan, nơi kiểm soát hơn một nửa nhu cầu bán dẫn của thế giới, đầu năm nay đã công bố doanh thu quý đầu tiên là 18,87 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi thu nhập ròng tăng 9% lên 6,97 tỷ USD.
Đối với Nvidia, lợi nhuận hàng quý của hãng đạt 14,9 tỷ USD, tăng gấp 7 lần so với năm trước, trên doanh thu 26 tỷ USD.
(Theo SCMP, Yahoo News, BI)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/con-sot-chip-ai-khien-ca-pho-wall-cung-phai-chao-dao-2300451.html