Lăng Bác là nơi nhiều người con miền Nam muốn được một lần đến viếng (Ảnh: NVCC)
1.Trải qua nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Châu Thành, tỉnh Long An – Trần Anh Tuấn nghĩ rằng không gì có thể khiến mình rơi nước mắt. Nhưng không, trong giây phút viếng Lăng Bác, người CCB không ngăn được sự bồi hồi, xúc động. “Dưới ánh sáng nhẹ, trong không gian vừa đủ, trang nghiêm, dòng người di chuyển chậm, nhìn thấy Bác trong lăng, lòng tôi bỗng trào dâng niềm xúc động. Nỗi thương Bác dâng lên trong lòng khi trước mắt mình chính là hình dáng người Cha già của dân tộc, người đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước ta. Tôi chỉ muốn nấn ná lâu thêm để được nhìn Bác rõ hơn. Tôi nghe trong đoàn có tiếng sụt sùi. Chắc hẳn mọi người ai nấy cũng đều cảm động, bởi tôi tin rằng trong lòng mỗi người con đất Việt đều yêu mến, kính trọng và tôn vinh Bác vì tấm lòng của Bác dành cho dân tộc, giống nòi” – CCB Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Với cựu chiến binh Trần Anh Tuấn, hòa bình là điều quý báu, Quảng trường Ba Đình lịch sử là địa điểm thiêng liêng và viếng Lăng Bác là niềm vinh dự, thỏa ước mong của cả đời mình
Với người CCB, niềm xúc động thiêng liêng không chỉ đến vào giây phút được nhìn thấy Bác. Ngay khi đặt chân lên Quảng trường Ba Đình, nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong lòng ông đã dâng lên niềm xúc động. Hiến dâng thanh xuân cho hòa bình của đất nước để làm tròn nghĩa vụ với quê hương, ông hiểu rõ sự thiêng liêng của ngày độc lập. 18 tuổi, sau khi thi đại học, chàng trai Trần Anh Tuấn theo tiếng gọi quê hương lên đường nhập ngũ. Khi giấy báo đậu đại học được gửi tới nhà, mặc dù rất thiết tha được đến giảng đường nhưng chàng trai quyết định tạm gác giấc mơ nghiên bút. Những ngày chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông Tuấn xung phong ở tuyến đầu, cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế nơi nước bạn cho đến ngày có lệnh giải ngũ về quê tiếp tục việc học của mình.
Từng đứng trước lằn ranh sinh tử nơi chiến trường, với ông Tuấn, hòa bình là điều quý báu, Quảng trường Ba Đình lịch sử là địa điểm thiêng liêng và viếng Lăng Bác là niềm vinh dự, thỏa ước mong của cả đời mình. Ông Tuấn chia sẻ: “Lần đó, biết sáng hôm sau viếng Lăng Bác là đêm hôm trước tôi đã nôn nao, khó ngủ, mong cho trời mau sáng. Ngay lúc đặt chân tới quảng trường, tôi đã thấy lòng mình dâng lên nỗi niềm khó tả. Tâm trạng của mình như trong bài thơ Viếng Lăng Bác vậy. Sau chuyến đi, tôi cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”.
2. Sự xúc động là tâm trạng chung của những người con miền Nam ra thăm Lăng Bác. Giây phút thiêng liêng khi được nhìn thấy Bác khiến cho mỗi người ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng quê hương.
Anh Đặng Vũ Khánh trong chuyến thăm Lăng Bác (Ảnh: NVCC)
Trong thời gian theo học lớp Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cần Đước – Đặng Vũ Khánh thêm một lần được thăm Lăng Bác. Tuy là lần thứ 2 được thăm Lăng Bác nhưng với anh Khánh, cảm giác vẫn nguyên vẹn như lần đầu. Anh Khánh chia sẻ: “Khi nhìn Bác nằm, khuôn mặt Bác phúc hậu, chòm râu dài, mái tóc bạc phơ, tôi muốn thời gian lúc ấy ngưng lại để có thể nhìn Bác thêm chút nữa. Phút giây ấy thật xúc động và thiêng liêng. Tôi hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, về việc Bác đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước. Từ đó, tôi tự hứa phải quyết tâm rèn luyện bản thân, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cũng như kỹ năng chuyên môn để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng quê hương giàu và mạnh như lời căn dặn của Bác”.
Anh Khánh là cán bộ Đoàn tiêu biểu với nhiều thành tích trong quá trình công tác. Dù công tác ở vị trí, vai trò nào, anh đều năng nổ, có nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực mang lại lợi ích cho địa phương nói chung và thanh, thiếu niên nói riêng: Siêu thị măng non, Đồng hành cùng em đến trường, Vườn rau của bé, Ghế đá thông điệp,… Đối với anh Khánh, được tham gia lớp Cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội và được viếng Lăng Bác là một cơ hội để rèn luyện bản thân để khi về lại đơn vị công tác có thể làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn.
Cũng nhờ chuyến học tập tại Hà Nội, anh Khánh biết thêm về nghi thức thượng cờ và hạ cờ tại Lăng Bác mỗi ngày. Mặc dù đó là nghi thức quen thuộc nhưng luôn nhận được sự quan tâm, chờ đón của người dân Thủ đô. Những ngày ở Hà Nội, anh Khánh cũng tranh thủ dậy sớm, ra Quảng trường Ba Đình theo dõi lễ thượng cờ. “Khoảnh khắc ấy thật sự ý nghĩa và thiêng liêng đối với tôi. Nhìn lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, tôi nghĩ về những anh hùng đã ngã xuống vì đất nước, về những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại vẫn còn đó và cảm thấy biết ơn vô hạn. Dậy thật sớm đến Quảng trường Ba Đình để tập thể dục và theo dõi lễ thượng cờ tại nơi đây, chúng ta sẽ cảm thấy yêu đất nước, yêu đời, yêu bản thân, yêu nơi mình đang sống và yêu hơn hai chữ “hòa bình” – anh Khánh trải lòng.
Lúc sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi” và miền Nam cũng vậy, luôn dành lòng kính yêu Bác. Dù bao nhiêu năm trôi qua, hình ảnh Bác trong tim những người con miền Nam nói riêng và cả nước nói chung đều in đậm trong tim với niềm tôn kính vô bờ./.
Thu Lam