MỹTính ràng buộc và hạn chế học bổng của đợt tuyển sinh đại học sớm đang thu hẹp cơ hội của những thí sinh có thu nhập thấp, theo chuyên gia.
Ở Mỹ, các đại học thường tuyển sinh trong hai đợt, gồm tuyển sinh sớm (hạn cuối khoảng 15/11) và tuyển sinh thông thường (hạn cuối vào 15/12 hoặc tháng 1).
Trong đó, nộp đơn theo hình thức Early Decision (ED – Quyết định sớm) giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển, đặc biệt ở các đại học top đầu. Tuy nhiên, đây là hình thức xét tuyển mang tính ràng buộc, nghĩa là nếu đỗ, thí sinh phải theo học đúng cam kết và hủy các nguyện vọng còn lại. Do vậy, chỉ những thí sinh đã tìm hiểu kỹ và chắc chắn về khả năng tài chính mới nên nộp đơn.
Sai Mandhan, 18 tuổi, hiện là sinh viên ngành Toán và Khoa học máy tính của Đại học Maryland theo diện học bổng. Năm ngoái, anh định đăng ký xét tuyển sớm vào Đại học Cornell, một trong tám trường thuộc Ivy League, nhưng cuối cùng từ bỏ vì gia đình “không hài lòng với việc bị ràng buộc tài chính”.
Sai nhẩm tính, nếu đỗ, gia đình anh phải chi trả 80.000-90.000 USD học phí mỗi năm (khoảng 2,2 tỷ đồng), kèm theo 400 USD phí giữ chỗ theo chính sách ED của Đại học Cornell.
“Dù thế nào, đi học ở những trường như thế vẫn rất nhiều tiền”, anh chia sẻ. Việc theo học càng bất khả thi khi gia đình Sai không đủ tiêu chuẩn để được nhận bất cứ hỗ trợ tài chính nào.
Tương tự Sai, nhiều thí sinh đến từ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình không thể đỗ đại học trong đợt ED vào các trường ưu tú, chủ yếu do bị ràng buộc với học phí cao mà ít được hỗ trợ.
Theo Tiến sĩ Rachel Rubin, giám đốc một công ty dịch vụ giáo dục ở Mỹ, học bổng được dùng để lôi kéo sinh viên đến học. Do đó, ở đợt xét tuyển sớm, các trường có xu hướng ít cung cấp học bổng hay các gói hỗ trợ tài chính.
Thực tế, các ứng viên khó khăn về tài chính có thể đăng ký học bổng qua QuestBridge – chương trình học bổng liên kết với các đại học lớn nhưng số lượng không nhiều. Khóa năm nay, Đại học Dartmouth nhận 47 thí sinh theo diện này, chiếm khoảng 7% trong tổng số 625 thí sinh trúng tuyển đợt sớm.
Cuối năm ngoái, thống kê của đại học này cũng cho thấy, chỉ 17% sinh viên trúng tuyển sớm của khóa 2023-2027 xuất thân từ gia đình thu nhập thấp. Điều đó cho thấy đợt tuyển sinh sớm tại Mỹ không phổ biến với sinh viên nghèo.
Ngoài ra, việc không được hướng dẫn, cung cấp đầy đủ thông tin về các quyền lợi của đợt ED cũng gây bất lợi cho thí sinh thu nhập trung bình-thấp.
Trong khi giới siêu giàu sẵn sàng chi đến một triệu USD (24,6 tỷ đồng) để thuê cố vấn tuyển sinh riêng cho con, các thí sinh với điều kiện tài chính thấp hơn phải tự tìm hiểu về quá trình ứng tuyển. Do đó, họ nhiều khi bỏ lỡ các chính sách hỗ trợ tài chính hay chương trình học bổng dù đủ điều kiện.
Bà Marcella Bombardieri, thành viên cấp cao của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một tổ chức nghiên cứu và vận động chính sách công, khuyên các thí sinh tìm sự giúp đỡ từ người lớn để chuẩn bị tốt cho đợt xét tuyển sớm.
“Bạn phải chuẩn bị sớm và kỹ càng trong năm cuối cấp. Bạn phải có người lớn bên cạnh để định hướng, giúp đỡ bạn”, bà Marcella nhấn mạnh.
Hiện, nhằm tạo công bằng cho tất cả thí sinh, một số đại học danh giá như Havard, Yale, Notre Dame hay Standford tích cực tuyển sinh theo hình thức Restrictive Early Action (Hành động sớm hạn chế). Ứng tuyển theo cách này, thí sinh vẫn được nhận kết quả sớm và có khả năng trúng tuyển cao hơn, nhưng không phải cam kết nhập học như ED.
Phương Anh (Theo CNN)