“Dự báo của chúng tôi là tuổi thọ sẽ đạt đến mức 100-120 tuổi trong khoảng 50 năm tới, ít nhất là ở các nước phát triển”, nhà nghiên cứu Ignat Kulkov tại Đại học Malardalen (MDU) ở Thụy Điển nói với đài truyền hình SVT của nước này, theo tường thuật của Tân Hoa xã.
Ông Kulkov cũng cho biết, trong tương lai, người già dự kiến sẽ sống khỏe mạnh như những người trong độ tuổi 40, phần lớn là nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Đây là kết quả nghiên cứu mà ông thực hiện với đồng nghiệp tại các trường đại học ở Phần Lan, Pháp và Anh, đã được công bố trên tạp chí tạp chí khoa học Futures.
“Ngày càng có nhiều người đeo thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe của họ. Những thiết bị này sẽ được kết nối với bác sĩ và bệnh viện”, ông Kulkov nói và cho biết một số cảm biến như vậy sẽ được phát triển thành dạng cấy ghép vào cơ thể trong tương lai.
Ông nói: “Những thiết bị như vậy giúp các bác sĩ có thể đưa ra khuyến cáo thay đổi lối sống ở giai đoạn đầu, kết quả là sức khỏe được cải thiện và tuổi thọ tăng lên”.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tiến bộ trong các lĩnh vực khác cũng sẽ góp phần kéo dài tuổi thọ. Theo ông Kulkov, đại dịch Covid-19 đã giúp giới nghiên cứu có thêm nhiều kiến thức về cách theo dõi vi rút hiệu quả hơn, trong khi AI đã được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhanh hơn cũng như phát triển các phương pháp điều trị mới.
“Y học cá nhân hóa với các loại thuốc phù hợp với từng cá nhân cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện sức khỏe”, nhà nghiên cứu cho hay.
Tuy nhiên, một số thách thức mới cũng đã hình thành. “Biến đổi khí hậu sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của chúng ta, không chỉ trong tương lai mà ngay cả ở hiện tại”, ông Kulkov nói.
Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Nature Communications hồi tháng 5.2021, con người có thể sống tới 120-150 năm, trang Scientific American từng đưa tin.
Theo trang Vox, người giữ kỷ lục sống thọ nhất hành tinh đến nay là bà Jeanne Louise Calment, một phụ nữ Pháp. Bà sống từ năm 1875 đến năm 1997, tức qua đời ở tuổi 122.