Chuyển xuống sống dưới lòng đất có thể giúp con người tránh nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh do biến đổi khí hậu, nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức.
Trong thế giới đang dần thay đổi với những sự kiện thời tiết ngày càng cực đoan, có thể đã đến lúc con người cần cân nhắc cách thích nghi như sống dưới lòng đất. Bao quanh bởi các khối đá và đất giúp hấp thụ và giữ nhiệt, nhiệt độ có thể duy trì ổn định hơn mà không cần dựa vào điều hòa hoặc máy sưởi hao điện, theo Science Alert.
Trong lịch sử, con người và cả động vật từng sống thoải mái dưới lòng đất. Ở thị trấn khai thác ngọc mắt mèo Coober Pedy tại Nam Australia, 60% dân số sống dưới lòng đất. Tên gọi Coober Pedy bắt nguồn từ cụm từ kupa piti trong tiếng thổ dân, có nghĩa là “người ở trong hố”. Trong ngày hè nắng nóng 52 độ C và mùa đông lạnh tới 2 độ C, nơi ở dưới lòng đất của người dân trong thị trấn vẫn duy trì nhiệt độ 23 độ C. Nếu không có chỗ trú trong lớp đá tự nhiên, điều hòa nhiệt độ mùa hè sẽ rất tốn kém với nhiều người.
Ở bên trên mặt đất, nhiệt độ mùa hè có thể khiến chim chóc rơi từ trên trời xuống và thiết bị điện chập cháy. Nhưng dưới lòng đất, nhiều cư dân có chỗ ở khá sung túc với phòng khách ấm cúng, bể bơi và nhiều không gian khác chừng nào họ còn chịu đào xới. Các ngôi nhà phải ở độ sâu ít nhất 2,5 m dưới lòng đất để ngăn sụp mái. Bất chấp quy định trên, hiện tượng sụp mái thi thoảng vẫn xảy ra.
Vào thập niên 1960 và 1970, người dân địa phương tạo hố trên mặt đất bằng cuốc và thuốc nổ. Ngày nay, họ sử dụng dụng cụ đào công nghiệp. Việc đục đẽo những tảng đá lớn không mất nhiều thời gian miễn là đá sa thạch và bột kết mềm đến mức có thể rạch bằng dao nhíp. Tuy nhiên, đôi khi mọi người có thể đào nhầm sang nhà hàng xóm.
Năm 1963, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ dùng búa tạ đập tường tầng hầm trong lúc sửa nhà ở vùng Cappadocian. Sau khi những con gà liên tục biến mất bên trong hố, anh ta kiểm tra và phát hiện một mê cung đường hầm dưới lòng đất khổng lồ. Đó chính là thành phố thất lạc Derinkuyu.
Được xây sớm nhất vào năm 2000 trước Công nguyên, mạng lưới đường hầm 18 tầng đạt tới độ sâu 76 m dưới lòng đất với 15.000 trục đưa ánh sáng và không khí vào mê cung nhà thờ, chuồng gia súc, nhà kho và nhà ở được xây để chứa 20.000 người. Giới nghiên cứu cho rằng Derinkuyu được sử dụng gần như liên tục trong hàng nghìn năm như nơi trú ẩn trong chiến tranh. Nhưng thành phố ngầm bị bỏ hoang đột ngột vào thập niên 1920.
Trong khi nhiệt độ ngoài trời ở Cappadocia dao động từ 0 độ C vào mùa đông đến 30 độ C vào mùa hè, nhiệt độ của thành phố dưới lòng đất vẫn mát mẻ ở 13 độ C. Điều này khiến công trình rất lý tưởng để bảo quản rau củ quả. Ngày nay, một số đường hầm vẫn được sử dụng để chứa những thùng lê, khoai tây, chanh, cam, táo, bắp cải và súp lơ. Giống như Like Coober Pedy, lớp đá ở đây rất mềm xốp và độ ẩm thấp, giúp quá trình xây hầm thuận lợi.
Dù phần lớn mọi người sẵn sàng ở dưới lòng đất trong thời gian ngắn, ý tưởng sống vĩnh viễn như vậy khó chấp nhận hơn nhiều. Thế giới dưới lòng đất gắn liền với cái chết trong nhiều nền văn hóa. Ở dưới đất trong không gian hạn chế có thể kích thích chứng sợ không gian hẹp và lo sợ thông khí kém. “Chúng ta không thuộc về nơi đó. Về mặt sinh lý học, cơ thể người không được cấu tạo cho cuộc sống dưới lòng đất”, Will Hunt, tác giả cuốn sách Underground: A Human History of the Worlds Beneath Our Feet, cho biết.
Những người sống dưới lòng đất trong thời gian dài mà không tiếp xúc với ánh sáng ban ngày có thể ngủ tới 30 giờ mỗi lần. Gián đoạn nhịp sinh học có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Một nguy cơ khác khi sống dưới lòng đất là lũ quét, vấn đề đặc biệt đáng quan tâm do biến đổi khí hậu sẽ mang đến nhiều sự kiện thời tiết cực đoan hơn như mưa bão. Nhiều người vô gia cư từng bị chết đuối trong các đường hầm bên dưới Las Vegas. Những đường hầm này có thể chứa khoảng 1.500 người và được xây để dẫn nước lũ. Chúng ngập nước trong vòng vài phút, khiến mọi người không có thời gian sơ tán.
Quá trình xây dựng dưới lòng đất thường đòi hỏi vật liệu nặng đắt tiền hơn, có thể chịu áp lực. Lực này phải được đo qua các cuộc khảo sát địa chất toàn diện trước khi công tác đào xới bắt đầu. Nhiệt độ bên dưới cũng chịu ảnh hưởng từ những gì xảy ra bên trên mặt đất.
Một nghiên cứu của khu dân cư Chicago Loop phát hiện nhiệt độ tăng đáng kể từ thập niên 1950 khi ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng sản sinh nhiệt được xây dựng trong khu vực như bãi đỗ xe, tàu hỏa và tầng hầm. Sự gia tăng nhiệt độ có thể khiến đất giãn nở 12 mm, dần dần gây hư hại cho kết cấu tòa nhà. Để môi trường dưới lòng đất có thể phù hợp với con người, nơi đó phải an toàn, có ánh sáng tự nhiên, thông khí tốt và cung cấp cảm quan gắn kết với thế giới bên trên.
Thành phố dưới lòng đất dài 32 km của Montreal mang tên RÉSO tượng trưng cho ý tưởng này. Tổ hợp liên kết các tòa nhà để mọi người có thể tránh nhiệt độ dưới 0 độ C ở ngoài trời. Không gian kết hợp văn phòng, cửa hàng bán lẻ, khách sạn và trường học hòa lẫn với môi trường bên trên mặt đất.
An Khang (Theo Science Alert)