Quần áo không chỉ bảo vệ con người mà còn mang giá trị tinh thần, nhưng giới chuyên gia chưa rõ chính xác thời điểm quần áo xuất hiện.
Rất khó để biết chính xác loài người hiện đại (Homo sapiens) bắt đầu mặc quần áo từ khi nào vì thiếu bằng chứng khảo cổ học cho câu trả lời chắc chắn. Bằng chứng trực tiếp lâu đời nhất mà giới chuyên gia có là Tarkhan Dress, chiếc áo sơ mi vải lanh cổ chữ V do nhà Ai Cập học Flinders Petrie phát hiện trong một hầm mộ từ thời Vương triều thứ nhất của Ai Cập cổ đại tại nghĩa địa Tarkhan. Quá trình xác định niên đại bằng đồng vị carbon hé lộ, chiếc áo được sản xuất khoảng năm 3482 – 3102 trước Công nguyên.
Có thể con người đã mặc quần áo từ trước đó, nhưng đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy món quần áo nào lâu đời hơn Tarkhan Dress. Điều này cũng không ngạc nhiên vì khác với ngày nay – khi nhiều bộ đồ được sản xuất từ sợi tổng hợp không thể phân hủy sinh học – quần áo thời xưa có nguồn gốc động thực vật và dễ dàng phân hủy, ví dụ như len hay vải lanh. Có thể Tarkhan Dress tồn tại lâu vì nó ở trong môi trường cực kỳ khô, ngăn cản sự xuống cấp.
Tarkhan Dress là món quần áo gần như nguyên vẹn cổ xưa nhất từng được phát hiện, nhưng nó không phải là bằng chứng sớm nhất về đồ dệt. Ví dụ, các nhà khảo cổ từng tìm thấy những mảnh vải dệt nguồn gốc thực vật ở khu định cư cổ Catalhoyuk, Thổ Nhĩ Kỳ, có niên đại khoảng 8.500 năm. Điều này cho thấy, có thể khi đó con người đã sản xuất và mặc quần áo.
Một bằng chứng khác cổ xưa hơn nhiều được tìm thấy trong hang Dzudzuana, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, đó là sợi lanh. Một số sợi được xoắn và nhuộm bằng chất màu tự nhiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là bằng chứng cho việc may quần áo. Đáng chú ý, những sợi vải này có niên đại lên tới khoảng 30.000 năm, một bước nhảy vọt đáng kể về thời gian quần áo ra đời.
Các nhà khoa học cũng sử dụng những phương pháp đặc biệt hơn để truy tìm nguồn gốc quần áo xa hơn nữa: dựa vào chấy rận. Có hai loại chấy rận sống trên người: loại sống trên đầu và loại sống trên cơ thể. Loại thứ hai cũng sống trong quần áo, vì vậy, các nhà khoa học cho rằng việc tìm ra thời điểm chúng xuất hiện có thể cung cấp bằng chứng gián tiếp về thời điểm con người bắt đầu mặc quần áo.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh ADN của chấy rận trên đầu và trên cơ thể người để xác định thời điểm loại thứ hai xuất hiện. Một ước tính gần đây cho thấy, rận cơ thể có khả năng đã tách ra từ chấy rận trên đầu khoảng 83.000 – 170.000 năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là ước tính sơ bộ. Rận cơ thể sẽ cần thời gian thích nghi, do đó, quần áo có thể ra đời trước khoảng thời gian này một chút.
Đó mới chỉ là những bằng chứng về thời điểm người hiện đại mặc quần áo. Ngoài ra, giới chuyên gia còn phát hiện những dấu vết cho thấy người Neanderthal có thể cũng từng mặc áo khoác lông thú. Tuy nhiên, thời gian càng lâu thì càng khó tìm được bằng chứng trực tiếp. Vì vậy, có lẽ con người sẽ không bao giờ biết chính xác thời điểm quần áo ra đời.
Thu Thảo (Theo IFL Science)