Thức đến khuya xem điện thoại
Chị Phan Hồng Thái (ngụ đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế), cho biết mấy ngày này nhà chị có người nhà từ TP.HCM và Đà Nẵng về ăn tết nên con nít rất đông. Người lớn thì bận dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, làm đồ cúng…, còn trẻ con 5-6 bé ở độ tuổi từ 5 đến 12 cứ ngồi tụm lại một chỗ, mỗi đứa say mê với chiếc điện thoại, không ai nói với ai câu nào.
“Nhìn chúng dán mắt vào điện thoại cũng sốt ruột nhưng nếu không vậy thì chúng biết làm gì đâu. Ba mẹ bận bịu không đưa con đi chơi được, thu điện thoại để tụi nó tự chơi với nhau thì có khi đứa lớn quát đứa nhỏ om sòm cả lên. Cứ đưa cho mỗi đứa một chiếc điện thoại thế là ngoan liền, trật tự để người lớn lo công việc”, chị Thái cười.
Trong khi đó, chị Nguyễn Hải Đan (chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) lại cho rằng ngày thường các con phải lo học hành và chấp hành “kỷ luật thép” của ba mẹ rồi nên ngày tết “thoải mái với con một tí”.
“Bình thường buổi tối cứ 9 giờ là tôi kêu các con lên giường ngủ đến sáng hôm sau dậy sớm đi học. Mấy ngày này có khi 11, 12 giờ chúng mới chịu lên giường sau khi ‘no mắt’ với ti vi, điện thoại, vì lý do hôm sau không phải đi học. Bản thân tôi cũng tranh thủ… thức khuya để xem phim vì không mấy khi có dịp được nghỉ làm, dậy trễ như dịp tết. Vì thế, nhịp sống của cả nhà gần như đảo lộn”, chị Đan chia sẻ.
Duy trì kỷ luật, khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn tâm lý giáo dục khoa Giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng tết chính là khoảng thời gian cả ba mẹ và con cái dễ bị thả nổi kỷ luật nhất, do nghĩ rằng đây là dịp nghỉ ngơi. Chính vì thế, ngay cả người lớn cũng có thể sinh hoạt thiếu điều độ chứ không phải chỉ riêng trẻ em.
“Dịp tết, các con được nghỉ học nên thời gian dài rộng hơn rất nhiều, vì thế ba mẹ vẫn phải duy trì tính kỷ luật đối với con cái nếu như không muốn con chỉ biết đến ti vi, điện thoại mà quên hết xung quanh. Cần phải giới hạn thời gian, nếu không các con sẽ xem ti vi, điện thoại cả ngày”, tiến sĩ Phan lưu ý.
Để con rời mắt khỏi ti vi, điện thoại, theo tiến sĩ Phan, phụ huynh phải thấy được giá trị đoàn viên, sum vầy, sẻ chia của tết, từ đó có những hoạt động định hướng cho con cùng tham gia.
“Chẳng hạn như khi gói bánh chưng, bánh tét thì để con ngồi phụ xếp lá, dạy con cách gói, chia sẻ những câu chuyện xung quanh… Việc dọn dẹp nhà cửa cũng nên khuyến khích con làm cùng. Chưa kể chuyện cúng kiếng cũng nên để con tham gia để con hiểu ý nghĩa. Rất nhiều hoạt động trong dịp tết, nếu cha mẹ để con cùng làm thì thời gian cho điện thoại, ti vi sẽ không còn nhiều nữa”, tiến sĩ Phan chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Hoàng Minh, cũng nhận định tết là kỳ nghỉ dài đối với trẻ sau những ngày học tập căng thẳng nên đa số không còn duy trì quy tắc, thói quen thường ngày. Xu hướng dùng ti vi, điện thoại và tần suất nhiều hơn một cách đột biến, dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe thể chất lẫn tâm lý.
Thạc sĩ Bình đưa ra lời khuyên: “Cha mẹ nên cùng con xây dựng kế hoạch vui chơi, hoạt động trong kỳ nghỉ tết. Ngày nào làm gì, ngày nào đi đâu… Trong đó, tạo cơ hội cho con cùng tham gia các hoạt động của gia đình như dọn dẹp nhà, trang trí đón tết, đi mua sắm. Đầu năm thì cùng nhau đi chúc tết ông bà, họ hàng. Hoặc đưa con đến những nơi có tổ chức điểm vui xuân, trò chơi dân gian để giúp con có thêm hiểu biết, phát triển thể chất và tư duy”.
Theo ông Bình, điện thoại, ti vi cũng là một nhu cầu thiết yếu nên không thể cấm con hoàn toàn mà nên đặt ra giới hạn và quy tắc, chẳng hạn như một ngày con có thể sử dụng vào thời điểm nào, mỗi lần sử dụng tối đa bao nhiêu phút…
“Ba mẹ nên phân tích cho con hiểu nếu sử dụng ti vi, điện thoại quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao. Đồng thời nếu con thực hiện tốt các quy tắc thì nên khen ngợi, thậm chí có những phần thưởng nho nhỏ để động viên. Nếu con chưa thực hiện đúng thì cha mẹ cũng không nên la mắng mà nên nhẹ nhàng nhắc nhở hoặc có một hình thức phạt phù hợp cho con nhớ”, thạc sĩ Nguyễn Công Bình cho hay.