Sau nhiều tháng liên tục không mưa, khoảng 17 giờ ngày 25.3, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện cơn mưa đầu mùa làm hạ nhiệt thời tiết oi bức trong suốt thời gian nắng hạn vừa qua. Trong tình hình hạn hán kéo dài, cơn “mưa vàng” này đã giải khát cho hàng ngàn ha cà phê, lúa và hoa màu.
Chị Lê Thị Thương (trú xã Đăk Pxi, H.Đăk Hà) cho biết, thời gian gần đây thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cây cối héo rũ. Nắng nóng cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân. Cơn mưa chiều nay giúp không khí bớt oi bức, cây trồng được tưới đẫm nước.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, chiều nay mưa xuất hiện trên địa bàn TP.Kon Tum và các huyện: Đăk Hà, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Ngọc Hồi.
Theo ông Huy, cơn mưa đầu mùa này chỉ giúp không khí dịu mát, bớt khô hanh chứ không thể “giải hạn” vì thời gian qua nắng nóng kéo dài. Từ nay đến hết tháng 4 có thể xuất hiện một vài trận mưa giông. Những cơn mưa giông đầu mùa thường mang đến các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Do đó người dân cần lưu ý sét, mưa đá và gió lốc mạnh. Đặc biệt từ khoảng giữa tháng 4 trở đi khi mưa giông xuất hiện, người dân cần đề phòng sạt trượt ở khu vực xung yếu.
“Hạn hán, thiếu nước vẫn tiếp tục diễn ra đến hết tháng 4. Mặc dù xuất hiện mưa nhưng không làm mực nước trên các sông tăng, thậm chí khiến mực nước ngầm tụt xuống”, ông Huy nói.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ tháng 1 đến tháng 6, nhiệt độ trung bình tại Kon Tum cao hơn từ 0,5 – 1,2 độ C so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Từ tháng 1 đến tháng 4, lượng mưa tại Kon Tum thấp hơn so với trung bình cùng kỳ nhiều năm.
Nắng nóng trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 3, nhiều khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước ở các vùng phía tây, tây nam tỉnh. Nắng nóng có xu hướng mở rộng trong tháng 4 và tháng 5. Tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mực nước và lưu lượng nước trên các sông suối giảm dần, duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt sông Đăk Bla đoạn chảy qua H.Kon Rẫy và TP.Kon Tum lưu lượng nước thấp hơn từ 40 – 65%, mực nước thấp hơn các năm từ 0,2 – 1,2 m.
Dự báo từ tháng 3 đến tháng 5 trên địa bàn tình trạng khô hạn, thiếu nước có nguy cơ xảy ra trên diện rộng. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước là trên 1.770 ha. Trong đó diện tích lúa là 780 ha, cây cà phê là 990 ha.