(NLĐO) – Loại sao siêu khổng lồ này rất đoản mệnh vì đốt cháy năng lượng quá nhanh, sắp kết thúc cuộc đời bằng một vụ nổ siêu tân tinh
Giao thoa kế thiên văn Very Large (VLTI) của Đài quan sát Nam Âu (ESO) tại Chile đã ghi lại hình ảnh chi tiết về một cấu trúc giống như con mắt sáng rực của một loài thú dữ từ vũ trụ đang nhìn thẳng vào ống kính.
Đây thực ra là hình ảnh chi tiết chất lượng cao đầu tiên mà các nhà khoa học có được về một ngôi sao bên ngoài Ngân Hà (tức Milky Way, là thiên hà chứa Trái Đất).
Đó là siêu sao khổng lồ đỏ WOH G64, có đường kính gấp 1.500 lần Mặt Trời và là một trong những ngôi sao lớn nhất vũ trụ.
WOH G64 nằm trong Đám mây Magellan Lớn, là thiên hà vệ tinh của Ngân Hà, và sắp nổ.
Theo Live Science, WOH G64 khoảng chừng 5 triệu tuổi, chỉ như “trẻ sơ sinh” so với Mặt Trời 4,6 tỉ tuổi.
Thế nhưng, vật thể này thuộc về loại sao đặc biệt có tên “Behemoth”, lấy theo tên một con vật thần thoại được đề cập trong Sách Job, có vẻ ngoài trông như một con hà mã quái vật mang đôi ngà voi và là sinh vật lớn nhất trên cạn.
Loại sao siêu khổng lồ này rất đoản mệnh vì đốt cháy năng lượng quá nhanh, nên WOH G64 thực tế đã rất già cỗi và sắp chết, kết thúc cuộc đời bằng một vụ nổ siêu tân tinh thuộc loại khủng khiếp nhất.
Cái chết sắp diễn ra của con quái vật vũ trụ này được tiết lộ thông qua chính vòng ánh sáng hình bầu dục xung quanh ngôi sao, thứ khiến cấu trúc tổng thể trông như con mắt.
Theo nhà vật lý thiên văn Keiichi Ohnaka từ Đại học quốc gia Andres Bello (Chile), tác giả chính của nghiên cứu, cấu trúc này là một chiếc kén hình trứng liên quan đến sự phóng vật chất mạnh mẽ từ ngôi sao đang chết trước một vụ nổ siêu tân tinh.
“Ngôi sao này là một trong những ngôi sao Behemoth cực đoan nhất và bất kỳ thay đổi lớn nào cũng có thể khiến nó tiến gần hơn đến kết cục bùng nổ” – đồng tác giả Jacco van Loon, nhà thiên văn từ Đại học Keele (Anh) nói thêm.
Trước đó, các nhà thiên văn chỉ chụp được khoảng 20 hình ảnh chi tiết và phóng đại như nhau của các ngôi sao, tất cả chúng đều nằm trong Ngân Hà.
Vì vậy, hình ảnh về vật thể cực đoan WOH G64 đánh dấu một cột mốc mới và cho thấy sức mạnh của giao thoa kế – một mạng lưới nhiều kính thiên văn phối hợp hoạt động với nhau – đầy hứa hẹn trong việc giúp nhân loại nhìn xa hơn vào vũ trụ.
Nguồn: https://nld.com.vn/mot-trong-nhung-ngoi-sao-lon-nhat-vu-tru-sap-no-196241128091846358.htm