Chiều 17/11, tại Hoà Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của người làm báo, trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý báo chí, quản lý hội viên, xây dựng và triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi đánh giá, cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc.
Ở một số địa phương, còn có sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp với thực tiễn, chưa đáp ứng được sự phát triển của báo chí, truyền thông.
“Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh – nhưng phần lớn phải tự chủ tài chính, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí trực thuộc, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ. Nhiều cấp Hội còn thiếu sát sao trong quản lý đội ngũ cộng tác viên, phóng viên thường trú tại các địa phương dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực lợi dụng nghề nghiệp để đe dọa tống tiền doanh nghiệp, người dân”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nêu thực trạng.
Về việc sử dụng mạng xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện tượng nhà báo – hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề không chỉ báo giới mà dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại.
Đánh giá về công tác tự kiểm tra giám sát ở một số cấp hội, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhận định, công tác này còn yếu, nhiều Ban Kiểm tra cấp hội địa phương cơ sở hoạt động kém hiệu quả, vai trò mờ nhạt. Sự phối hợp giữa hội địa phương với Ủy viên UBKT Trung ương Hội phụ trách địa bàn còn thiếu chặt chẽ, ít có sự trao đổi thông tin, phối hợp xử lý. Nghiệp vụ kiểm tra, nhất là quy trình thủ tục xử lý vụ việc ở cơ sở ở một số cấp hội còn yếu, còn nặng xu hướng đẩy vụ việc lên Trung ương giải quyết.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam thông tin, đến nay đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm. Trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên.
Trong số liệu nêu trên, đa phần các vụ việc xảy ra, phóng viên đều chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí VTV3 cho rằng, số liệu của Ban kiểm tra vừa nêu thực sự là những con số đau lòng và đáng báo động, đặc biệt trong năm 2023. Một số nguyên nhân thực tế của những vi phạm được nhà báo Tạ Bích Loan nhắc đến có thể là, “vì đói thì đầu gối phải bò”, “nhà dột từ nóc” – do cơ quan chủ quản ép chỉ tiêu hoặc có thể do chính bản thân những người làm nghề – “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.
“Niềm tin xã hội là thứ quý giá nhất mà báo chí cần giữ gìn, nếu còn lòng tin của công chúng, của độc giả thì báo chí còn giá trị, chứ nếu đánh mất niềm tin, lúc đó chúng ta sẽ mất tất cả”, nhà báo Tạ Bích Loan nhấn mạnh.
Dựa trên thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Bảo Lâm – Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên đề xuất giải pháp, ngoài quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, cần bổ sung quy định chặt chẽ về Văn phòng đại diện, về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên ở văn phòng đại diện ở các địa phương để tránh những kẽ hở trong phối hợp với địa phương trong thu nhận, cung cấp thông tin.
Cần có quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Luật Báo chí quy định về điều kiện và hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, song thực tế triển khai thời gian qua cũng còn không ít tồn tại, bất cập.
Nhà báo Phạm Đức Thái – Ủy viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu quan điểm, cần tăng cường vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác tham gia vào quá trình sửa đổi Luật báo chí. Những ý kiến đã được chia sẻ ở các Hội nghị hôm nay và trước đây không chỉ dừng lại ở việc nêu thực trạng mà cần được phát biểu hoá, cụ thể hoá vào các văn bản.
Đặc biệt, nhà báo Phạm Đức Thái đề nghị, 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo cần được cô đọng lại trở thành một “Tuyên ngôn báo giới” ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Tại Hội nghị, ý kiến của các đại biểu đã bày tỏ mong muốn Hội Nhà báo địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, quản lý báo chí, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nhấn mạnh vai trò của các cấp Hội nhà báo phát huy tính chủ động, quyết liệt trong công tác phòng ngừa, chấn chỉnh những sai phạm của hội viên trong việc tham gia mạng xã hội
Các kiến nghị cũng nhấn mạnh về việc cần có quy định chặt chẽ về kinh tế báo chí trong Luật Báo chí. Đi sâu phân tích mối quan hệ giữa nhiệm vụ triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với việc thực hiện Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhận định: “Qua trao đổi ý kiến của các đại biểu, chúng ta càng thấy rõ vai trò trách nhiệm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật gắn với giáo dục đạo đức nghề nghiệp, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và đảm bảo các cơ quan báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp người làm báo”.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho biết, việc đi sâu phân tích, trao đổi mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, phản ánh những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo để kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo.
Từ đó, góp phần xây dựng một nền báo chí Xanh, lành mạnh tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhà nước, nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo, là nền tảng vững chắc để xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam luôn giữ “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc” .
Hoà Giang – Sơn Hải