“Đừng để con cái thua ngay từ vạch xuất phát” là nguyên lý giáo dục của nhiều bậc cha mẹ. Chính vì điều này mà nhiều cha mẹ cố gắng nuôi dạy để trong tương lai, con họ dù không tỏa sáng rực rỡ như Jack Ma, Buffett, Bill Gates thì cũng là người thành công trong xã hội.
Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng có phương pháp đúng và đem lại hiệu quả. Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ cần luôn đứng phía sau và chỉ dạy từng đường đi nước bước là con có thể thành công và phát triển đúng ý mình. Song, thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Đôi khi sự quan tâm quá mức có thể khiến con phát triển tính ì, gây ra tác dụng ngược. Bởi vậy bố mẹ có thể “lười biếng” một chút ở các khía cạnh này có thể giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của trẻ.
Các phụ huynh cần hiểu rõ rằng “lười biếng” ở đây không phải là mặc kệ con trẻ. “Lười biếng” được hiểu đúng là đứng lùi lại, cho phép con được tự đối mặt với thách thức và vượt qua khó khăn, thay vì nhanh chóng gạt bỏ mọi chướng ngại vật trước mắt chúng.
Nuôi dạy con theo phương pháp này không đơn giản, đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. Song nhờ thế, con bạn lại có bệ phóng vững chắc từ những năm đầu đời để xây dựng tương lai đầy hứa hẹn.
1. Cha mẹ “lười” đốc thúc, con tự giác hoàn thành bài tập về nhà
Nhiều cha mẹ thường có thói quen kèm con làm bài tập về nhà mỗi ngày. Vấn đề này khiến đa số bậc phụ huynh đau đầu. Để có một buổi dạy kèm con học hiệu quả, cha mẹ hãy thoát ly khỏi suy nghĩ hướng dẫn từng li từng tí để con làm ra kết quả đúng.
Thay vào đó, cha mẹ chỉ cần nhắc nhở con đến giờ làm bài tập và nói con báo cáo lại khi đã hoàn thành. Điều này giúp con nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đối với những bài tập khó, cha mẹ cũng không nên chỉ thẳng cách làm. Phụ huynh có thể đưa ra những phương pháp nhằm giúp hình thành suy nghĩ và tự tìm cách giải đúng.
Hãy khiến cho con trẻ nhận thức được rằng việc học là việc riêng của con và cha mẹ chỉ là những người chỉ dẫn khi con gặp những vấn đề mà không thể giải quyết được.
2. Cha mẹ “lười” lo lắng, con rèn được tính độc lập
Các con thường phải về nhà chuẩn bị tài liệu, vật dụng khác nhau ở các lớp khoa học và công nghệ. Thay vì lo lắng, bố mẹ hãy yêu cầu con tự sắp xếp và chuẩn bị những đồ dùng cần thiết. Nếu con muốn mua thứ gì, bố mẹ hãy đưa đúng số tiền đó để trẻ tự đi đến cửa hàng.
Theo thời gian, việc này giúp trẻ hình thành tính tự giác, độc lập, không quá ỷ lại vào suy nghĩ “lúc nào ba mẹ cũng có thể giúp mình hoàn thành mọi việc”. Trở thành điểm tựa của con là điều vô cùng tốt nhưng cha mẹ hãy là chỗ dựa để con phấn đấu phát triển chứ không phải nơi để con ỷ lại thoái thác.
3. Cha mẹ “lười’ chăm sóc, con biết cách tồn tại
Giúp trẻ phát triển thói quen tự chăm sóc bản thân ngay từ khi còn nhỏ là tiền đề cho sự tự lập sau này. Bạn hãy để trẻ tự mặc quần áo khi có đủ khả năng, tự chuẩn bị sách vở trước mỗi buổi đến trường… đừng vì thấy trẻ làm mất thời gian mà thực hiện giúp.
Điều này tưởng đơn giản nhưng lại liên quan đến khả năng tự chăm sóc, khả năng tự tồn tại và phát triển sau này. Ngoài ra để tạo thêm động lực cho trẻ, cha mẹ hãy dành cho chúng những lời khen ngợi khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nếu cứ mãi bao bọc con quá mức, trẻ sẽ mất đi khả năng tự lập. Rõ ràng khi ra ngoài xã hội, những đứa trẻ sẽ phải một mình đối mặt với mọi thứ. Đối với những người đã được trải nghiệm đầy đủ từ nhỏ, có khả năng chăm sóc bản thân và khả năng độc lập mạnh mẽ, họ sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề và tìm ra hướng đi cho mình. Ngược lại, những người lớn lên được cha mẹ bao bọc sẽ khó thích nghi và bị mất phương hướng.
Nuôi dạy con theo cách “lười biếng” này chính là bí quyết của nhiều phụ huynh có con thành đạt. Họ lười biếng một cách có chủ đích. Các con vì thế cũng trở nên tự lập và chủ động hơn trong cuộc sống.
Đinh Anh
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/neu-cha-me-luoi-lam-3-viec-nay-thi-xin-chuc-mung-con-lon-len-cang-de-thanh-cong-giau-co-trong-tam-tay-172240915082605051.htm