NGUYỄN CHU TẤN PHONG là tân SV Đại học Duy Tân. Chàng trai không có cha, còn mẹ tự tử lúc bạn chập chững những bước đầu tiên vào đời. Tuổi thơ Phong trôi qua dạt lại, đôi khi như con thuyền không bến.
Gác hết lại những bi kịch, tủi hờn, với số điểm 25, năm 2024 Nguyễn Chu Tấn Phong chọn học ngành quản trị du lịch và khách sạn của Trường đại học Duy Tân.
Mẹ Phong không may vướng vào chuyện tình cảm với người đàn ông trung niên khi tuổi còn quá trẻ. Chiếc bẫy ấy đã kéo chìm cuộc đời của chị.
Khi Phong ra đời, người đàn ông có gia đình đã “quất ngựa truy phong”, không còn trách nhiệm gì với hai mẹ con. Chán đời, hận tình, người mẹ trẻ trầm cảm nhảy xuống Biển Hồ kết thúc cuộc đời khi cậu con trai mới 17 tháng tuổi.
Sau khi mẹ Phong mất, bà Nguyễn Thị Yến đưa đứa cháu ngoại tội nghiệp về cưu mang thay con gái. Nhưng trớ trêu cảnh đời vất vả, không lo đủ ngày ba bữa cơm cho cháu, bà Yến chỉ nuôi cháu được một thời gian rồi gửi cho vợ chồng người cậu họ nuôi giúp.
Tại đây, Phong được cậu làm khai sinh, lấy họ cậu và gọi ông bằng cha. Cuộc sống với cậu cho Phong chút hơi ấm gia đình nhưng không kéo dài lâu khi vợ chồng cậu tan vỡ. Lúc này Phong đã lớp 2, cậu bé lại như hòn đá giữa đường, bơ vơ côi cút.
Cầm lòng không đặng, bà ngoại và người dì họ lại nhận Phong về nuôi. Tưởng chừng đời Phong tới đây đã có bến đỗ nhưng rồi cảnh nhà khó khăn, đông con, và vì ngoại cũng có hoàn cảnh riêng nên người thân cũng không thể cưu mang cậu bé cút côi nhỏ tuổi…
Năm học lớp 6, Phong lại ra đường, lạc lối không gia đình. Thấy cậu bé tay chân nhanh nhẹn, vợ chồng một người quen với bà ngoại xin nhận về nuôi.
Họ mở quán ăn, hằng ngày ngoài giờ đi học Phong về quán phụ bưng bê và dọn dẹp vệ sinh. Cậu ăn ở lại tại quán, vừa đi học vừa đi làm để nuôi lấy bản thân mình cho tới cuối năm lớp 12.
“Nhiều lần mình muốn bỏ cuộc vì quá mệt mỏi cuộc sống này. Muốn nằm yên thả trôi tất cả. Những đêm kiệt sức, tuyệt vọng, mình cũng trách ông trời sao con khổ vậy, sao trời lại bất công với mình như thế?” – Phong tâm sự.
Phong bảo rằng trong những thời điểm mỏi mệt và tuyệt vọng nhất, kỳ lạ thay bạn cũng chưa từng nghĩ tới ý định bỏ học để đi làm.
Ngay từ lúc học cấp hai, giấc mơ của Phong là một ngày được đứng trên bục giảng, làm người đưa đò, người thầy giáo truyền dạy kiến thức cho học sinh.
“So với những buổi đi làm, những lúc ngược xuôi mưa nắng ngoài đường, mình vẫn cảm thấy được đi học là điều vui sướng nhất. Có thể với một số bạn đi học là một thử thách hay điều gì đó khá mệt mỏi, nhưng với mình đó là niềm vui và mình hoàn toàn tận hưởng những giây phút trên lớp” – Phong chia sẻ.
Bởi vậy, đăng ký vào học ngành quản trị du lịch và khách sạn nhưng Phong có hẳn định hướng học xong sẽ làm giảng viên đại học, thỏa ước nguyện cầm phấn trắng đứng trước bảng đen.
Phong chia sẻ quyết tâm vùi đầu vào con chữ không hẳn chỉ là việc tìm kiếm một cánh cửa hay một lối thoát cho cuộc đời, mà còn bởi niềm vui học tập.
Trong căn nhà kho khách sạn được cho ở nhờ chừng vài mét vuông, chiếc giường xếp lót tấm nệm mỏng ngay cạnh kệ để đồ là nơi Phong ngả lưng mỗi tối hiện nay.
Chiếc bàn nhựa kê ngay chỗ có ánh sáng le lói là nơi Phong học bài. Chàng tân sinh viên vừa nhanh nhẹn, hoạt bát vừa thật thà, lễ phép khiến ai thoạt nhìn cũng cảm mến.
Từ phố núi Pleiku (Gia Lai) ra trọ học, hành trang mang theo của Phong là chiếc ba lô, vài bộ quần áo cùng số tiền nhỏ bà con lối xóm thương tình dúi vào tay.
Trước khi lên đường ra Đà Nẵng, Phong ghé về xóm thăm bà ngoại. Hai bà cháu ôm nhau, cậu khóc nấc vì hờn tủi cuộc đời. Bà ngoại khóc đầy bất lực vì ngoài những lời động viên không có đồng nào cho cháu lên đường.
Bà Nguyễn Thị Phương, 51 tuổi, thường gọi là cô Út, hàng xóm của bà ngoại, bảo hôm ấy Phong lang thang trong xóm mặt buồn rười rượi, bà gọi vào hỏi thăm. Biết Phong sắp đi học xa nhà, bà Út vội lấy 200.000 đồng dúi vào tay cậu.
“Thương nó mất mẹ sớm, phải chịu phận bồ côi bồ cút. Thằng lễ phép hiền lành nhưng đời nó bạc, số nó khổ. Mấy hồi tôi mở quán cà phê, nó cứ lên bảo cô Út cho con phụ với.
Biết nó cần việc làm nhưng quán mình quá nhỏ, có được mấy đồng đâu. Tôi bảo hôm nào đói bụng con qua với Út, có rau ăn rau, có cá ăn cá!” – bà Út xúc động kể.
Nhắc về quá khứ, ánh mắt Phong đượm buồn, tuổi thơ bão tố tựa như ác mộng. Mỗi khi nghĩ về nỗi bất hạnh đã qua, cậu đưa tay quệt nước mắt, lấy đó làm động lực bước tiếp.
Được chủ khách sạn cho ở nhờ, ngoài giờ học Phong tranh thủ phụ dọn dẹp buồng phòng như một cách trả ơn – Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Cậu ít kể về quá khứ và thích nói nhiều tới tương lai.
“Mình sẽ kiếm việc làm thêm để lo học phí những năm học đại học. Nếu bỏ học mình cũng sẽ đi làm thuê suốt đời, bữa đói bữa no, cuộc sống bấp bênh rồi khi ốm đau biết tính sao? Chỉ có học mới là cách tốt nhất để thay đổi số phận, kiếm được công việc ổn định để lo cho cuộc sống sau này” – Phong tâm sự.
Biết Phong sắp nhập học, một người quen cũ của mẹ cậu là cô Trần Thị Anh Thư, giáo viên Trường THPT Hùng Vương, âm thầm giúp đỡ, tiếp sức đến trường cho cậu.
Cô Thư kêu gọi trong nhóm bạn được một số tiền góp cho Phong đóng học phí. Đồng thời, nhờ người quen là chủ một khách sạn tại Đà Nẵng cho Phong có chỗ tá túc để đi học. Cô Thư bảo rất thương Phong vì quyết tâm đi học của Phong không được nhiều người thân ủng hộ.
Lo ngại với hoàn cảnh đó cậu không thể nào hoàn thành việc học và cũng không thể giúp được cậu trên hành trình này. “Chúng tôi chỉ giúp được cháu những bước đi đầu tiên, chỉ cho cháu sống biết ơn và làm người tử tế, còn lại là ở nỗ lực của Phong!”, cô Thư chia sẻ.
Phong nói mình biết ơn cô Thư và các bạn của cô rất nhiều. Chỗ ở hiện tại rất tốt, không biết làm gì để đền đáp sự giúp đỡ nên đã tự nguyện phụ giúp các anh chị công việc vặt.
Chị Ngọc Tâm, nhân viên buồng phòng, bảo mỗi ngày sau giờ học Phong hay phụ các anh chị lễ tân, buồng phòng dọn phòng hay làm việc này việc kia. Khách ở đây cần gì gọi là cậu chạy giúp ngay. Phong thật thà và chịu khó, có ai trách gì em cũng chỉ cười rất hiền.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.