Việc Mông Cổ loại đường ống Soyuz Vostok, phần mở rộng của đường ống Sức mạnh Siberia 2, khỏi kế hoạch hành động quốc gia được cho là trở ngại đối với xuất khẩu khí đốt của Nga ở phía Đông.
Từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh trong cuộc họp 3 bên tại Moscow, Nga, tháng 9/2022. (Nguồn: TASS) |
Vào tháng 8 vừa qua, chính phủ Mông Cổ đã công bố Chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2024-2028 nhằm giải quyết các vấn đề gây trở ngại để thực hiện thành công các dự án đang triển khai. Chiến lược gồm 4 mục tiêu với tổng cộng 593 hoạt động đã lên kế hoạch. Tuy nhiên, một dự án quan trọng đã không được liệt kê trong danh sách: Xây dựng đường ống Soyuz Vostok, phần mở rộng dài 962 km của đường ống Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2), kết nối các mỏ khí đốt ở Yamal thuộc Tây Siberia với Trung Quốc qua Mông Cổ.
Theo kế hoạch, đường ống dài 2.594 km này sẽ tăng thêm công suất xuất khẩu 50 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên, ngoài 38 bcm hiện đang được xuất khẩu qua Power of Siberia 1, chạy từ Yakutia và đi vào Trung Quốc từ Blagoveshchensk trên biên giới Nga-Trung. Việc loại đường ống này khỏi chiến lược quốc gia làm dấy lên lo ngại về việc dự án bị đình trệ, đặc biệt là khi Moscow và Bắc Kinh đã không thể thống nhất các điều khoản chính để bắt đầu xây dựng đường ống chủ lực của Nga kể từ năm ngoái.
Tại sao Sức mạnh Siberia 2 lại quan trọng?
Từ thời Liên Xô, năng lượng Nga đã đóng vai trò quan trọng đối với Đông và Trung Âu, với các đường ống Druzhba chở dầu và Urengoy-Pomary-Uzhhorod chở khí đốt. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ Moscow với Tây Âu đã được cải thiện đáng kể và Liên minh châu Âu (EU) nổi lên như một thị trường lớn cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga. Thực tế này không thay đổi cho đến khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, ngay từ cuối những năm 2010, các thị trường mới đã xuất hiện ở phương Đông, được hỗ trợ bởi sự trỗi dậy của một Trung Quốc đang “khát” năng lượng. Nga đã có kế hoạch xây dựng các đường ống mới đến phương Đông để đa dạng hóa thị trường khỏi châu Âu. Mong muốn này được phản ánh trong kế hoạch xây dựng đường ống Yakutia-Khabarovsk-Vladivostok, được đổi tên thành Power of Siberia (PoS) vào năm 2012.
Đường ống PoS, do gã khổng lồ khí đốt của Nga Gazprom vận hành, sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên từ các mỏ khí Kovykta và Chayanda ở Yakutia đến Heihe ở Trung Quốc, nơi đường ống Heihe-Thượng Hải do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vận hành sẽ bắt đầu.
Năm 2014, một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD đã được ký kết để cung cấp khí đốt trong 30 năm và việc xây dựng bắt đầu vào năm 2015. Bốn năm sau, lô hàng đầu tiên thông qua đường ống này đã được giao đến Trung Quốc.
Khi quan hệ Moscow-EU xấu đi sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, châu Âu bắt đầu cảnh giác về sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Bất chấp mối lo ngại này, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Đức và Nga để xây dựng Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), đường ống ngầm giữa Nga và Đức, cùng với Nord Stream 1, nhằm tăng nguồn cung cấp khí đốt lên 110 bcm.
Tuy nhiên, mặc dù hoàn thành vào năm 2021, chứng nhận cho đường ống đã bị Thủ tướng Đức Olaf Scholz đình chỉ vào ngày 22/2/2022, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Việc Mông Cổ loại đường ống Sức mạnh Siberia 2 khỏi chiến lược quốc gia làm dấy lên lo ngại về việc dự án bị đình trệ. (Ảnh minh họa – Nguồn: News.mn) |
Châu Âu đang có kế hoạch loại bỏ dần việc mua năng lượng của Nga vào năm 2027 và thỏa thuận trung chuyển khí đốt có thời hạn 5 năm với Ukraine sẽ hết hạn vào năm nay. Với việc thị trường xuất khẩu năng lượng đang thu hẹp, Moscow cần Bắc Kinh mua khí đốt tự nhiên.
Vào tháng 11/2014, một thỏa thuận khung đã được ký kết để tăng lượng giao hàng. Một số tuyến đường đã được xây dựng nhằm triển khai đường ống qua khu vực Altai, bao gồm cả nhà máy đường ống có thể có ở Kazakhstan. Tuy nhiên, cuối cùng, Mông Cổ đã được cân nhắc vì vị trí địa lý của nước này là tối ưu cho việc xây dựng đường ống.
Năm 2019, trong chuyến thăm Mông Cổ của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, việc khởi công đường ống PoS 2, trước đây gọi là đường ống Altai, đã được công bố. Một biên bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa chính phủ Mông Cổ và Gazprom để cùng nhau đánh giá tính khả thi của đường ống.
Năm 2020, Gazprom bắt đầu công tác thiết kế và khảo sát PoS-2. Vào tháng 1/2022, nghiên cứu khả thi đã hoàn thành và tuyến đường sơ bộ của đường ống với điểm vào Mông Cổ đã được công bố. Các cơ quan địa phương tại nước này sẽ phối hợp xây dựng đường ống dẫn khí. Hơn nữa, vào tháng 7/2022, Thủ tướng Mông Cổ L. Oyun-Erdene cho biết, đường ống Soyuz Vostok có thể bắt đầu được xây dựng vào năm 2024.
Tuy vậy, cho đến nay, đường ống này đã bị loại khỏi chiến lược hành động quốc gia của Mông Cổ. Đây được cho là vấn đề đáng lo ngại đối với Nga.
Sau tháng 2/2022, Trung Quốc đã nổi lên như một nước mua năng lượng lớn của Nga. Về khí đốt, mức tiêu thụ trong nước tại quốc gia Đông Bắc Á vào khoảng 400 bcm mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tăng lên. Trước đây, phần lớn khí đốt sử dụng tại Trung Quốc được nhập khẩu từ Turkmenistan. Với lượng khí đốt xuất khẩu từ đường ống PoS 1, dự kiến sẽ đạt công suất thiết kế là 38 bcm vào năm 2025, đường ống PoS 2 sẽ bổ sung công suất là 50 bcm và đường ống PoS 3 thứ ba (từ Sakhalin vào Trung Quốc) sẽ vận chuyển thêm 10 bcm khí đốt.
Tuy nhiên, tổng lượng khí đốt từ 3 đường ống này cộng lại cũng chưa thể bằng 155 bcm khí đốt Nga bán cho châu Âu vào năm 2021. Do đó, sự chậm trễ trong dự án PoS 2 sẽ khiến Moscow mất đi nguồn thu đáng kể. Từ tháng 2/2022, một số nước châu Âu đã giảm lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu qua đường ống từ Nga nhưng vẫn tiếp tục nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này.
Tuy nhiên, với việc EU áp đặt lệnh trừng phạt vòng 14 đối với LNG của Nga, các nước hiện cũng đã giảm mua hàng này từ xứ sở bạch dương. Năm 2023, Gazprom công bố khoản lỗ 7 tỷ USD. Trong khi đó, thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine khó có thể được gia hạn. Vì vậy, Moscow rất cần thị trường mới. Đây là lý do tại sao PoS 2 là một dự án quan trọng đối với Nga.
PoS 2 đang bị đình trệ?
Mặc dù cả Gazprom và CNPC đã nhất trí về nguyên tắc, các cuộc đàm phán về giá khí đốt, khối lượng, chia sẻ chi phí xây dựng và các vấn đề liên quan khác vẫn đang được tiến hành. Trung Quốc muốn Gazprom bán khí đốt ngang bằng với giá trong nước, vào khoảng 60 USD cho 1.000 mét khối, trong khi Nga đang bán qua đường ống PoS 1 với giá 257 USD cho 1.000 mét khối.
Hơn nữa, Bắc Kinh còn có những lo ngại khác, chẳng hạn như Gazprom muốn kiểm soát đoạn đường ống qua Mông Cổ, điều mà Trung Quốc lo ngại sẽ làm tăng ảnh hưởng của Nga tại quốc gia thảo nguyên.
Các vấn đề khác vẫn tồn tại như thanh toán trong khi bỏ qua các lệnh trừng phạt đối với Nga. Mặc dù khí đốt từ Nga rẻ nhất, Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhập khẩu từ các nước Trung Á thông qua đường ống Trung Á-Trung Quốc, trong đó Turkmenistan xuất khẩu khối lượng khí đốt lớn nhất sang Trung Quốc.
Việc xây dựng tuyến đường ống thứ tư của đường ống Trung Á-Trung Quốc, được gọi là tuyến D, sẽ giúp xuất khẩu thêm 30 bcm khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc, nâng lượng khí đốt nhập khẩu từ Turkmenistan vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lên 85 bcm.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 5 năm nay và chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào tháng 8 đã không mang lại bất kỳ thỏa thuận nào về PoS 2. Ngoài ra, việc Mông Cổ loại đường ống Soyuz Vostok khỏi chương trình hành động quốc gia được coi là một trở ngại lớn đối với dự án.
Trong khi đó, chuyến thăm Mông Cổ của ông Putin vào tuần đầu tiên của tháng 9 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề này và đưa đường ống trở lại chương trình nghị sự. Gazprom đã mất một khoản doanh thu đáng kể kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, và bất kỳ sự chậm trễ nào nữa trong việc xây dựng đường ống sẽ làm giảm năng lực xuất khẩu khí đốt của Nga.
Câu chuyện PoS 2 phản ánh phần nào sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh trong xuất khẩu năng lượng và khả năng xoay trục sang phương Đông của Điện Kremlin. Việc tìm kiếm thị trường mới cho các nguồn năng lượng dồi dào của Nga có nguy cơ bị hạn chế.
Nguồn: https://baoquocte.vn/duong-ong-khi-dot-suc-manh-siberia-2-con-gio-nguoc-tu-mong-co-toan-tinh-xoay-truc-cua-nga-va-niem-tin-o-mot-trung-quoc-dang-khat-nang-luong-286702.html