ANTD.VN – Giá vàng tiếp tục chịu áp lực khi các dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn còn dai dẳng và lãi suất có thể duy trì ở mức cao, trong thời gian dài hơn.
Sáng nay, giá vàng trong nước quay đầu tăng nhẹ, phục hồi một phần giảm trong phiên hôm qua. Theo đó, vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh tăng 50 nghìn đồng mỗi lượng so với chốt phiên liền trước, lên mức 67,85 – 68,57 triệu đồng/lượng.
Tại DOJI, giá thương hiệu vàng quốc gia đầu giờ sáng được niêm yết tại 67,80 – 68,65 triệu đồng/lượng; PNJ 67,90 – 68,60 triệu đồng/lượng; vàng SJC Phú Quý 67,85 – 68,55 triệu đồng/lượng…
Trên thị trường thế giới, giá vàng tại thị trường Mỹ trong phiên giao dịch 14/9 (đêm qua theo giờ Việt Nam) đã có chút chao đảo nhẹ sau dữ liệu PPI (chỉ số giá sản xuất) của Mỹ được công bố cho thấy người tiêu dùng không nên kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ sớm giảm bớt khi các nhà sản xuất đang chứng kiến giá cả tăng mạnh.
Áp lực lạm phát và lãi suất cao đang đè nặng giá vàng |
Cụ thể, thị trường vàng đã chịu thêm áp lực bán sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết PPI của nước này đã tăng 0,7% trong tháng trước sau mức 0,4% của tháng 7. Con số này cũng cao hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế trước đó với mức tăng dự báo 0,4%.
Mức tăng PPI trong tháng 8 cũng là mức tăng lớn nhất kể từ khi chỉ số này tăng 0,9% vào tháng 6 năm 2022. Trong khi đó, PPI cốt lõi, loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 0,2% trong tháng trước, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 8 đã tăng 0,6% so với kỳ vọng của thị trường là tăng 0,1%. Những con số này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nhưng cũng làm chậm tăng trưởng kinh tế. Điều đó có thể có nghĩa là nhu cầu đối với hàng hóa thô, bao gồm cả kim loại, sẽ ít hơn.
Sau khi dữ liệu được công bố, vàng giao ngay có lúc giảm xuống sát mốc 1.900 USD/ounce, tuy nhiên sau đó đã nhanh chóng phục hồi trở lại. Chốt phiên, kim loại quý tăng nhẹ 2,7 USD mỗi ounce, lên mức 1.910,6 USD/ounce.
Các nhà phân tích cho rằng vàng tiếp tục phải đối mặt với những cơn gió ngược đáng kể vì mối đe dọa lạm phát sẽ tiếp tục ủng hộ các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trong một tin tức khác, Ngân hàng trung ương Trung Quốc một lần nữa nới lỏng chính sách tiền tệ, lần này bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng xuống 0,25%, có hiệu lực từ hôm nay, trong một nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ vào thứ Năm và tăng nhẹ lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 4,0%.
Chỉ số đồng USD tăng 0,6% lên mức cao nhất trong hơn 6 tháng, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng.
Tuy nhiên, việc vàng nhanh chóng lấy lại thăng bằng sau loạt tin tức không mấy tích cực, được cho là ngưỡng 1.900 USD/ounce là một ngưỡng hỗ trợ tốt và đã thu hút một số nhà đầu tư khi giá vàng giảm xuống vùng giá này.