Con gái ca sĩ Phương Thanh tên Bùi Hà Nghi Phương, tên thân mật là Gà, sinh năm 2005. Bố em là ông Đặng Ngọc Cường, có quan hệ tình cảm với Phương Thanh nhưng không đủ duyên vợ chồng. Chị làm mẹ đơn thân nuôi con khôn lớn.
Cuối năm 2016, nữ ca sĩ lần đầu công khai Nghi Phương trên mạng xã hội khi bố con gái qua đời. Tháng 8/2019, Phương Thanh thông báo hết tang sau 3 năm cùng con gái chịu tang bố. Hiện tại, Nghi Phương 19 tuổi, đang học ngành Truyền thông Đại học RMIT TP.HCM.
Tôi có thể vô tư kể chuyện yêu đương với mẹ
– Từ bé đến nay, bạn đã sống thế nào khi có mẹ là ca sĩ nổi tiếng?
Nhìn chung, làm con của mẹ 19 năm nay, tôi cũng quen rồi. Thỉnh thoảng tôi đọc một số bài viết, bình luận tiêu cực về mình cũng hơi buồn, chạnh lòng.
Tôi còn trẻ, cá tính mạnh nên thích thể nghiệm nhiều phong cách. Họ bình luận về ngoại hình, gia đình tôi, nói ‘mẹ nào con nấy’, tiêu cực lắm! Tôi không hiểu sao người ta có thể nói như vậy.
Từ nhỏ tới giờ, tôi học lớp nào cũng bị phát hiện là “bé Gà con Phương Thanh” rồi đồn ầm cả trường, không cách nào giấu được. Tôi không đăng về mẹ, thỉnh thoảng chụp hình giấu mẹ sau lưng đăng story (tính năng chia sẻ khoảnh khắc, tin ngắn trên Facebook cá nhân – PV) thôi mà tụi bạn cũng vô soi, biết được hay thật.
Cấp 2 và 3, tôi khá thoải mái, người ta có nói gì cũng thấy vui vui là chính. Nhưng lên đại học, tôi không chia sẻ gì về gia đình vì môi trường này rộng quá, nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng tới mình.
– Ca sĩ Phương Thanh trong nghề rất “dữ dội”, ở nhà làm mẹ thì thế nào?
Mẹ tôi rất hài hước, hay đùa giỡn, trêu chọc con, nhất là chọc chuyện tình cảm. Thỉnh thoảng, tôi cũng giỡn lại, hỏi mẹ yêu đương sao rồi. Hai mẹ con thoải mái như hai người bạn vậy.
Tôi có thể vô tư kể chuyện yêu đương, bồ bịch với mẹ! Tôi không biết phụ huynh khác sao nhưng có lẽ hơi hiếm thấy người mẹ nào để con sống thoải mái, tự do phát triển theo hướng mình thích như vậy.
Đôi lúc mẹ cũng khó chịu, nóng nảy. Tính tôi nóng giống hệt mẹ nên những lúc như vậy hai người sẽ im lặng một hồi. Sau đó, mẹ là người đến dỗ tôi vì biết tính con gái “mong manh dễ vỡ”, không chịu được nói nặng.
Thật ra không phải lúc nào tôi cũng đợi mẹ dỗ. Những lúc tôi sai như đi chơi về khuya chẳng hạn, phải đến dỗ mẹ chứ. Mẹ tôi cục tính, cáu bẳn nhưng con gái nói vài câu là mẹ bình tĩnh, nói chuyện lại ngay.
Mẹ có nóng đến mấy cũng chỉ nói thôi, không đánh con bao giờ. Nói chứ, mẹ mà đánh là tôi đi bụi thật đó. (cười)
– Đã bao giờ bạn trách mẹ lo công việc, không gần gũi con?
Từ nhỏ tới lớn, mẹ gần như không để tôi một mình quá lâu hay thấy xa cách. Nếu có, cuối năm tôi học lớp 12, mẹ đi hát ngoài đảo biền biệt.
Đợt đó tôi tốt nghiệp cấp 3, đang trong những ngày cuối cùng của tuổi học sinh nên hơi nhạy cảm. Tôi nhìn các bạn có ba mẹ đi chung trong khi mình chỉ có một mình nên hơi chạnh lòng.
Khi mẹ về, tôi đã cự nự, thậm chí nói hơi nặng lời. Mẹ buồn lắm. Tôi biết mình nói quá lời nhưng không giữ được cảm xúc. Những lần khác, mẹ vẫn nhờ bạn, trợ lý… đi cùng tôi nhưng riêng lần đó mẹ hơi mải đi hát ngoài đảo thật.
Đến bây giờ, tôi vẫn ngủ với mẹ
– Một kỷ niệm đáng nhớ giữa hai mẹ con thì sao?
Khoảng lớp 10, tôi tìm đồ không thấy, hỏi ra thì biết mẹ vứt đi rồi nên nổi nóng. Bị nói hỗn, tôi và mẹ cãi nhau um sùm nên bỏ nhà đi bụi, thực tế là qua nhà bác ruột. Tôi giận nên chặn Facebook, không nhắn tin liên lạc với mẹ nữa.
Suốt 1 tuần đó, họ hàng cũng khuyên này kia nhưng tôi chỉ nói: “Con với mẹ chưa giải quyết xong”. Lúc đó hình như gần Tết, mấy anh làm nhạc kể mẹ nói: “Tao thương con Gà vì ai tao cũng lì xì hết rồi, có con Gà là chưa”.
Hai mắt tôi tự nhiên rưng rưng, dọn về nhà ngay hôm đó. Thấy tôi, mặt mẹ nhìn tội lắm, tôi cứ vậy lao vào mè nheo luôn. Đến bây giờ kể lại, tôi vẫn nhớ vẻ mặt của mẹ hôm đó.
Bây giờ tôi thấy mình khác lắm. Tôi rất mềm với mẹ, có gì cũng nhịn hết, chủ động dỗ mẹ. Thậm chí đôi lúc, tôi tưởng như mình mới là người lớn còn mẹ là em bé trong nhà.
– Cuộc sống ở nhà của hai mẹ con ra sao?
Nhà tôi có 2 mẹ con, bác và bà ngoại. Đến bây giờ, tôi vẫn ngủ với mẹ đó. Khi còn mẹ, còn thời gian bên nhau, tôi muốn cứ vậy tận hưởng thôi.
– Còn việc học ở trường?
Từ nhỏ tới lớn, mẹ không tạo áp lực cho con cái, đôi lúc tôi cũng thấy thiếu thiếu vì chưa từng trải nghiệm cảm giác bị thúc ép học hành.
Vì vậy, tôi tự tạo áp lực cho mình, kiểu “là con gái Phương Thanh, tối thiểu phải học giỏi chút chứ”. Từ tiểu học đến hết cấp 3, không năm nào tôi không là học sinh giỏi.
Lên đại học, chương trình rất nặng và áp lực nhưng tôi đi học vẫn vui, có thể pha trò, cười cả ngày. Thời mới nhập học, tôi học vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh, hiện tại toàn bộ chương trình bằng tiếng Anh nên khá mệt, nhất là phần học thuật chuyên ngành.
– Học phí Đại học RMIT TP.HCM rất nặng, hai mẹ con có trăn trở?
Suốt 19 năm qua, tôi đã học đủ từ trường công đến tư. Lên cấp 3, tôi đã thích học trường quốc tế nhưng biết điều kiện gia đình lúc đó không đảm bảo, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Vì vậy, tôi nói với mẹ rồi để đó.
Năm cuối cấp, tôi thấy điều kiện gia đình có phất lên một chút nên chia sẻ lần nữa. Mẹ ủng hộ, nói tôi hợp môi trường quốc tế. Cứ vậy, tôi tự tìm trường, làm hồ sơ, thi cử.
– Tuổi 19, bạn định hướng nghề nghiệp thế nào?
Dù đang học chuyên ngành Truyền thông nhưng tôi thích kinh doanh. Tôi đã thử sức một vài dự án nho nhỏ, kết quả cũng khả quan. Tôi chuẩn bị kế hoạch, định hướng khá rõ ràng nhưng ngại chia sẻ vì sợ “nói trước bước không qua”.