Đến hẹn lại lên, nhìn lịch chuẩn bị tới rằm tháng 10 âm là con gái tôi lại toát mồ hôi hột!
Nếu quay ngược lại được thời gian thì có lẽ việc đầu tiên tôi làm sẽ là từ chối mối hôn sự của con gái mình. Nó là cục vàng cục bạc của tôi, là chiếc áo bông nhỏ cả gia đình nâng niu từ tấm bé.
Thế mà lấy chồng xong nó biến thành một người hoàn toàn khác, nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Nhà thông gia cách nhà tôi một quãng chỉ tầm 5 con phố, nhưng số lần tôi gặp con gái hàng tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý do vì gia đình chồng con bé quá bận rộn, họ mở một chuỗi cửa hàng kinh doanh dịch vụ đám cưới nên ngày nào cũng phải làm từ sáng sớm đến tối khuya.
Nhiều hôm mất ngủ tôi thấy 2h sáng con gái vẫn đang trên mạng, hỏi thì nó bảo phải thức để chuẩn bị đồ đạc các thứ cho khách lấy 5h sáng.
Từ một cô công chúa tay chưa từng biết mùi xà phòng rửa bát, giờ cái gì con gái tôi cũng phải làm. Nhà chồng nó giàu nhưng con dâu không được ăn sung mặc sướng.
Ngược lại mỗi lần tôi gặp con chỉ thấy nó già thêm, nhợt nhạt và thiếu ngủ đến nỗi mắt thâm quầng mấy lớp.
Tôi xót con gái lắm nên mấy lần bí mật nói chuyện riêng với con rể rồi. Không phải vì nuông chiều con quá độ nên tôi khó chịu với nhà thông gia, mà thực lòng tôi chỉ mong con được sống thoải mái và nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe thật tốt thôi.
Dù sao nó cũng vẫn còn trẻ, ngoài công việc ra nó nên có thời gian đi chơi, đi du lịch, đi mua sắm ăn diện xinh đẹp như bao cô gái khác chứ? Đâu thể bắt nó chôn vùi thanh xuân trong mớ hàng hóa ngập đầu và suốt ngày dầm mưa dãi nắng theo chồng đi dựng rạp cưới!
Tâm sự với con gái thì nó bảo làm nhiều cũng mệt, song nó thấy vui và vẫn chịu được áp lực khi làm cho nhà chồng.
Một phần vì nó thấy dịch vụ đám cưới có nhiều cái thú vị, phần khác là chồng nó cho vợ cầm hết kinh tế, thu nhập mỗi tháng của chúng nó nghe đâu cũng vài trăm triệu nên con gái tôi chấp nhận đánh đổi để kiếm thật nhiều tiền.
Ước mơ của nó là mua được cái nhà ven sông có vườn rộng rãi, xong đón vợ chồng tôi về đó dưỡng già.
Tôn trọng ý kiến của con nên tôi không than thở gì nữa. Thay vào đó tôi nhắc nó ăn uống đầy đủ, bận mấy cũng không được bỏ bữa.
Nhìn đôi tay búp măng trắng trẻo của con giờ thành nhăn nheo sứt móng, tôi thương lắm nhưng gả đi rồi thì chẳng thể bao bọc con như xưa nữa.
Được cái con rể là đứa biết điều, yêu chiều vợ và cũng luôn chú ý không để con bé kiệt sức. Thi thoảng nó vẫn lái xe chở con gái tôi về ngoại ăn cơm, mua quà cho vợ chồng tôi và đưa cả nhà đi nghỉ dưỡng ở ngoại thành dịp cuối tuần.
Con rể ủng hộ kế hoạch gom tiền mua nhà vườn của vợ nó, bảo với tôi rằng bây giờ bọn con tập trung làm ăn, sau này bọn con dư dả thì sẽ chăm sóc bố mẹ 2 bên đến cuối đời. Nghe cũng mát lòng mát dạ thật.
Tuy nhiên được cái nọ thì mất cái kia. Con gái tôi cái gì cũng không ngại khổ, người duy nhất khiến nó sợ lại là ông bố chồng.
Ông ấy là một người tài giỏi, nghiêm túc trong mọi việc. Trên thì chỉ đạo mấy chục nhân viên, dưới thì quản lý một đại gia đình. Con gái tôi không phải dâu trưởng, cũng chẳng phải dâu út, nhưng nó lại áp lực vì bị bố chồng để ý.
Suốt thời gian học việc kinh doanh với chồng, con tôi kể là nó liên tục bị bố chồng mắng. Mẹ chồng nói đỡ cho khá nhiều nhưng nó vẫn tủi thân vì bị bắt lỗi toàn thứ lặt vặt. Tuy nhiên sau những tháng ngày stress ấy, con gái tôi học được cách làm việc nhanh nhẹn gọn gàng, biết trân trọng sức lao động của chính mình và hiểu được ý nghĩa của một gia đình đoàn kết.
Khắt khe với con dâu nhưng khi đến bữa cơm, ông thông gia vẫn an ủi nó theo cách khá lạ, bảo nó cứ vất vả “chai tay” nhiều lên rồi sau này ông cho nó “chai tay” vì đếm tài sản. Nghe xong con tôi cũng hiểu ý, thế nên nó vui nhiều hơn là ghét bố chồng.
Tuy nhiên con tôi bị ám ảnh bởi một chuyện rất hài hước. Đó là… chuyện vẩy rau!
Nó kể với tôi rằng lần đầu tiên sang ra mắt nhà bạn trai – giờ đã là nhà chồng, nó bị chị chồng giao cho thử thách vẩy rau sống.
Con tôi xem trên mạng thấy nhiều người không làm được việc này. Nó không tin vẩy rau lại khó thế nên vô tư “thể hiện” cho cả nhà bạn trai xem.
Ai ngờ vừa cầm cái rổ lên thì con tôi đã ném vỡ luôn cái lọ lộc bình quý của nhà người ta, còn đống rau thì nằm gọn trên đầu bố chồng nó! Nghe con rể kể lại là lúc ấy mọi người đều hoảng sợ, nhìn cảnh rau với nước tung tóe tan hoang mà mặt con gái tôi tái mét. Bố chồng nó giận lắm. Ông vứt hết rau trên đầu đi xong mắng con bé một trận kinh hoàng, còn hỏi ở nhà có được dạy nữ công gia chánh không mà vụng thối vụng nát như thế.
Con gái tôi được chiều từ bé nên nó nào biết gì đâu. Không phải tôi bênh con nhưng ông thông gia mắng nó cũng nặng lời thật. Mỗi nhà nuôi dạy con một kiểu, tôi không bắt cháu nó học việc trong bếp nên nó biết gì mà vẩy rau! Nó chỉ nghĩ đơn giản là qua ra mắt gia đình bạn trai thì phải xông xáo, chứ chuyện làm vỡ cái lọ đắt tiền là ngoài ý muốn của con tôi.
Sau khi đền cái lọ xong thì con gái tôi đòi chia tay không yêu nữa. Một phần vì xấu hổ, phần khác vì nó sợ bố chồng tương lai khó tính quá. Chỉ vì cái rổ rau mà ông ấy đánh giá nhà tôi từ trên xuống dưới, còn quy chụp là tôi không biết dạy con để nó sang “làm loạn” nhà người ta.
Dĩ nhiên con gái tôi giấu tiệt sự cố hôm ra mắt, mãi sau này khi làm hòa với bạn trai và quyết định kết hôn thì nó mới kể cho tôi nghe. Mỗi dịp lễ Tết bố chồng nó vẫn nhắc đi nhắc lại chuyện rổ rau tai họa khiến con tôi ám ảnh. Cứ về ngoại là nó nhờ cô giúp việc dạy vẩy rau, nhưng có vẻ chưa lần nào thành công như ý muốn.
Nay tôi đi chợ buổi sáng về tạt qua chỗ con gái chơi. Nó khoe sắp sửa được đi du lịch nước ngoài với chồng, tiện dịp này chúng nó sẽ tính chuyện sinh em bé luôn. Bà thông gia thấy vậy liền mở lịch ra xem, xong tự dưng bà bảo sắp rằm tháng 10 âm rồi, hôm ấy bên nhà họ cũng có cái đám giỗ. Bà hỏi lịch đi chơi của chúng nó có bị trùng không, con tôi nói chuyến đi khởi hành sau giỗ mấy hôm.
Cái xong bố chồng nó ngồi cạnh hỏi câu khiến cả nhà im phắc: “Thế năm nay con dâu có định vẩy rau cho cả nhà ăn nữa không? Bố kê ban thờ Thần Tài ra chỗ khác rồi, không sợ vỡ hỏng cái gì đâu con nhé”.
Giọng nửa vui đùa nửa thâm sâu của ông ấy khiến tôi sởn da gà. Nhìn sang con gái với con rể mặt cắt không còn giọt máu, tôi phải ra hiệu với bà thông gia để nhờ giải vây. Bà ấy hiểu ý liền cười cười bảo năm nay thuê người về nấu cỗ, bát đũa cũng thuê người rửa hộ luôn nên không ai phải làm gì hết. Tiện đó bà ấy cũng mời vợ chồng tôi sang ăn cỗ. Tôi gật đầu gượng gạo cho xong rồi kiếm cớ đi về.
Sao bố chồng của con tôi để bụng thù dai chuyện nhỏ nhặt thế nhỉ. Đến bố chồng tôi năm xưa cũng không khó tính với con dâu như thế!
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/con-gai-toi-bi-ong-thong-gia-mia-mai-het-ngay-nay-qua-thang-khac-chi-vi-ro-rau-tu-hoi-chua-ve-lam-dau-172241124210225225.htm