(NLĐO) – Trở về nước sau thời gian định cư tại Đức, tác giả Lương Nhứt Nương – con gái tác giả Hoa Phượng – đã đón nhận tin vui.
Sáng 30-10, tại Tọa đàm “Tính văn học trong nghệ thuật sân khấu cải lương giai đoạn từ năm 1975 đến nay” do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức, trong số đông các văn nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn, nhà lý luận phê bình sân khấu tham gia còn có tác giả Lương Nhứt Nương – con gái của cố soạn giả Hoa Phượng.
Bà từ Munich – Đức về thăm quê nhà, đồng thời sẽ tổ chức lễ tưởng niệm hai người cha thân yêu trong cuộc đời của bà đó là Hà Triều – Hoa Phượng nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất.
“Đúng ra sẽ tổ chức đúng ngày 22-10, nhưng rồi gia đình quyết định sẽ tổ chức vào ngày 22-11, để có thời gian chuẩn bị. Tôi nhớ như in lời dạy của ba, phải viết câu ca lời thoại mang đậm chất văn học, không phải viết cho dài, trau chuốt câu văn mà không hướng đến mục đích gì trong đối thoại. Phải bám chắc số phận, tính cách, vị thế xã hội của nhân vật để viết, từ đó mới thuyết phục khán giả” – tác giả Lương Nhứt Nương chia sẻ.
Bà đã bày tỏ niềm xúc động khi Hội Sân khấu TP HCM đã quyết định giao cho Ban Lý luận phê bình thực hiện Tuyển tập tác phẩm của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, đồng thời tổ chức tọa đàm đi sâu vào phân tích nét đẹp và tính thẩm mỹ nghệ thuật trong việc xây dựng nhân vật của hai tác giả lớn của sân khấu cải lương miền Nam.
“Nếu điều mơ ước này thành hiện thực thì đây là di sản mà gia đình chúng tôi trân quý. Bởi, lâu nay nhiều đoàn hát sử dụng kịch bản của hai ông, nhưng lại là những dị bản, bị “tam sao thất bổn” quá nhiều, nên trong thời gian 3 tháng về quê nhà, chúng tôi sẽ làm công việc tập hợp lại để tuyển tập thật sự đạt độ chuẩn mực đúng nguyên bản của hai Hà Triều – Hoa Phượng” – tác giả Lương Nhứt Nương nói.
Tác giả Lương Nhứt Nương là người “giữ lửa” cho những hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống của sân khấu cải lương Việt Nam tại thành phố Munich – miền Nam nước Đức. Bà từng được nhiều người biết đến với các kịch bản cải lương nổi tiếng như: “Đêm hội Long Trì”, “Đường gươm dũng tướng”, “Sắc màu tình yêu”…
Trong gia tài đồ sộ của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng để lại cho sân khấu cải lương phải nhắc đến các tác phẩm: “Nửa đời hương phấn”, “Khi hoa anh đào nở”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Mưa rừng”, “Tấm lòng của biển”, “Sông dài”, “Tuyệt tình ca”, “Mùa xuân trên non cao”, “Tần nương thất”, “Cô gái Đồ Long”…
Đó là những kịch bản không bao giờ phai mờ trong lòng của khán giả yêu thích sân khấu cải lương.
Nguồn: https://nld.com.vn/con-gai-tac-gia-hoa-phuong-khoc-khi-biet-cha-se-co-tuyen-tap-duoc-in-196241030132649091.htm