Cứ mỗi mùa khô đến, tin tức về hạn mặn lại dồn dập và đã trở thành nỗi ám ảnh kinh niên ở miền Tây. Vậy có con đường nào để thoát nỗi ám ảnh này? Câu hỏi đặt ra trên Thanh Niên từ bài viết của Th.S Nguyễn Hữu Thiện cũng đồng thời là trăn trở về khát vọng “thuận thiên” truyền đời của người dân ĐBSCL.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, tác giả bài viết Để hạn mặn không còn là nỗi ám ảnh của miền Tây nhận định có 2 lựa chọn để thích ứng với hạn mặn cho ĐBSCL. Một là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục “chiến đấu” với hạn mặn bằng công trình thì mỗi mùa khô ĐBSCL sẽ lại “oằn mình” chống hạn mặn. Hai là thực hiện đúng phân vùng theo quy hoạch tích hợp ĐBSCL với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120.
Cụ thể, câu chuyện “thuận thiên” sẽ là quy hoạch tích hợp chia ĐBSCL thành 3 vùng. Vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt, kể cả những năm cực đoan; vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đến là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn – lợ vào mùa khô. Ở vùng này, cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thuận theo nước lợ – mặn vào mùa khô. Vùng sát ven biển, mặn quanh năm thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm.
Thích ứng hạn mặn để sản xuất
Bạn đọc (BĐ) Lão Nông Tri Điền bày tỏ: “Tôi rất đồng quan điểm với thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện. Có thể nói nước mặn xâm nhập nội đồng đã có từ bao đời chứ không phải bây giờ mới có. Đã đến lúc chúng ta phải sống thuận theo tự nhiên, phải có sự điều chỉnh khu vực cần ngọt hóa. Mặt khác chính chúng ta đã ngăn không cho nước lên đồng, vô tình làm cho các cánh đồng bị sa mạc hóa, độ ẩm không khí suy giảm nghiêm trọng, chưa kể các cánh đồng bị ô nhiễm do nước tù và thiếu hụt các khoáng chất cần thiết từ biển mang lại. Rất mong các cơ quan chức năng sớm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ”.
Ủng hộ những nhận định về nhu cầu “phải thích ứng hạn mặn hơn là chống hạn mặn”, BĐ Tân Nguyễn cho rằng đó là câu chuyện mang tầm vĩ mô mà từ góc độ mỗi hộ gia đình khó có thể thực hành: “Mùa khô ao hồ cũng khô cạn, kênh nhỏ cạn trơ đáy, thậm chí phải cho nước mặn vào chống sạt lở. Vậy nên vấn đề nghiêm trọng này ở cấp độ hộ gia đình không thể giải quyết được. Theo tôi nhà nước vẫn cần xây đập trên sông lớn để ngăn mặn mùa khô mới đảm bảo được cuộc sống cho người dân”.
Đa số ý kiến BĐ đều cho rằng cần giải quyết về mặt vĩ mô 2 vấn đề lớn, đó là phương án sản xuất “thuận thiên” để thích ứng hạn mặn, và câu chuyện nước ngọt dành cho sinh hoạt.
Dẫn nước ngọt cho sinh hoạt
BĐ Madam Phương Lê nhận xét: “Với tiềm lực kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, việc đưa nước sạch về cho bà con vùng ven biển sử dụng, theo tôi là không khó. Chỉ cần đầu tư đường ống từ thượng nguồn về xử lý nước sạch cho dân xài, không tốn quỹ đất cho nông nghiệp, mặt khác khi có vùng đệm chứa nước mặn thì xâm nhập mặn chắc chắn sẽ giảm”. “Bên cạnh đó, người dân chúng ta cần phải xây hồ tích nước mùa mưa nữa, kinh nghiệm này dân ĐBSCL làm cả trăm năm nay rồi, giờ chỉ cần mở rộng quy mô tích nước”, BĐ Tuấn Trương Anh đóng góp thêm ý kiến.
Tán thành, BĐ Hội Quang nêu: “Tôi xin nói thêm, nếu chúng ta nhìn lại lúc chưa đắp đập ngăn mặn so với hiện nay thì mặn đã lấn sâu hơn khoảng 50 km, vậy người làm quy hoạch nên hiểu chế độ nước lớn, nước ròng ở vùng ĐBSCL. Nên quy hoạch vùng chứa nước ngọt trong vùng đất mà ông cha của chúng ta đã làm, không nên chạy theo năng suất lúa mà ảnh hưởng môi trường sống… Nếu biết cách khai thác thì vùng nước lợ sẽ cho lợi nhuận cao hơn vùng ngọt hóa”.
* Sao không làm hồ chứa nước ở thượng nguồn như hồ Dầu Tiếng?
Huy Hà
* Theo tôi, đây là những phân tích đúng và chính xác từ đầu mùa khô tới giờ. Mong chính quyền các cấp thấy được và làm đúng theo tinh thần Nghị quyết 120.
Linh Nguyễn Vũ
* Chính phủ đã có Nghị quyết 120 để giải đáp những trăn trở, ám ảnh rồi. Giờ chỉ làm theo nghị quyết đó thôi.
Quang