Đó là nhận định của đồng chí Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản – Lý luận và thực tiễn” do Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức sáng 30/11, tại Thái Bình.
“Đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ đã và đang tác động nhiều tới việc vận hành, phát triển của các cơ quan báo chí.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất. Chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm mà phải chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên, là đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, quy trình kinh doanh, quy trình vận hành tòa soạn. Chuyển đổi số phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành.
“Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số, không ngừng sáng tạo, vừa làm vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi. Chúng ta cần làm song song các nhiệm vụ từ đó tăng cường công tác đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả… Như vậy, chuyển đổi số mới có thể thành công, đạt hiệu quả”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực xuất bản, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước đòi hỏi ngành báo chí-xuất bản phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần phải đi nhanh, đi trước để thu hút nguồn lực. Đến nay, nhiều khâu của hoạt động báo chí-xuất bản đã tiếp cận, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả, việc chuyển đổi số báo chí, xuất bản là một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra nhằm đổi mới phương thức truyền thông, phát hành, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”.
Phát biểu chào mừng, đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ, trong lĩnh vực báo chí, tỉnh Thái Bình đã có những đầu tư về con người, cơ sở vật chất, động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phấn đấu thành cơ quan truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện, đẩy mạnh cơ hội liên kết, tương tác với bạn đọc trên các phương tiện khác nhau, nhất là tập trung cải thiện nâng cao chất lượng nội dung, công tác quản lý. Nhờ đó, lĩnh vực truyền thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ, tiếp cận tốt hơn đến người dân.
“Chúng tôi tin tưởng trên lĩnh vực truyền thông, xuất bản, đẩy mạnh chuyển đổi số hết sức đúng đắn. Tỉnh kiên trì với việc chuyển đổi số báo chí, xuất bản”, đồng chí Ngô Đông Hải nhấn mạnh.
Chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam vẫn ở vị trí rất khiêm tốn
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, mô hình tòa soạn hội tụ lấy sản phẩm báo chí số làm trung tâm gần như đã trở thành kiểu mẫu để các cơ quan báo chí hướng.
Xu hướng phát triển sản phẩm đa nền tảng diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện các sản phẩm báo chí số mới như inforgraphics, megastory, longform…, báo chí trí tuệ nhân tạo, báo chí thực tế ảo, báo chí di động, truyền hình di động, phát thanh mobile… hình thành báo chí mạng xã hội để tăng cường tương tác với công chúng.
Trong lĩnh vực xuất bản, các nhà xuất bản, công ty sách cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số. Theo đó, đã xây dựng các kênh phát hành trực tuyến theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Các loại hình sách mới như ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác như học sinh các cấp học, người khiếm thị.
Tuy nhiên, PGS, TS Vũ Trọng Lâm cho rằng, chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. “Vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện về lợi ích, tầm quan trọng và cách thức chuyển đổi số của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cơ báo chí, xuất bản tâm lý ngại thay đổi, xê dịch, không dám đột phá, sáng tạo, chủ nghĩa kinh nghiệm, tự hài lòng với số lượng công chúng đã có vẫn tồn tại”, PGS, TS Vũ Trọng Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, PGS, TS Vũ Trọng Lâm nhận định nguồn lực cho chuyển đổi số vẫn còn yếu. Nhiều cơ quan báo chí, xuất bản chưa đủ vững về tài chính để mua sắm trang thiết bị, thuê đội ngũ kỹ thuật viên và đào tạo nhân lực thích ứng, cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính để vận hành. Phần lớn các tòa soạn, nhà xuất bản hiện chưa tự chủ được về công nghệ, hoặc thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ, hoặc lệ thuộc vào công nghệ của đối tác.
Chưa xây dựng được đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đội ngũ xuất bản có kỹ năng nghiệp vụ hiện đại và khả năng áp dụng công nghệ trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Các vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin, nạn tin giả, xuất bản phẩm lậu, giả, tình trạng vi phạm bản quyền nội dung, quảng cáo… còn diễn ra nhức nhối, chưa được giải quyết triệt để, gây tổn thất không nhỏ đến các cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động chân chính, như sụt giảm nguồn doanh thu, mất lượng công chúng, ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu…”, PGS, TS Vũ Trọng Lâm nêu thực trạng.
Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh đến việc xác định chính xác vai trò, vị trí của đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong “dòng chảy” chuyển đổi số báo chí, xuất bản vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, công nghệ số nói chung và công nghệ báo chí, xuất bản vẫn đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ, đặt ra những thách thức thay đổi về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy trình vận hành đối với các cơ quan quản lý cũng như cơ quan báo, xuất bản trong nước.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá của Liên Hợp Quốc, xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 87/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2020. Về con số này, PGS, TS Vũ Trọng Lâm đánh giá vẫn ở vị trí rất khiêm tốn và vẫn còn xa mục tiêu lọt vào nhóm 70 nước dẫn đầu năm 2024.
Tại Hội thảo các chuyên gia và lãnh đạo cơ quan báo chí đã chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh vấn đề bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, bước tiến nhanh chóng của quá trình chuyển đổi số cũng làm xuất hiện những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn hoạt động của công tác báo chí, xuất bản.
Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí, xuất bản, các cơ sở đào tạo ngành cần chủ động đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như cách thức chuyển đổi số, qua đó tạo ra các sản phẩm báo chí, xuất bản có giá trị phục vụ tốt nhu cầu của công chúng.
Hoà Giang