Từ 0h01 ngày 2/12, Cảng hàng không Điện Biên đã chính thức mở cửa, khai thác trở lại sau thời gian dài được thi công nâng cấp, mở rộng. Từ một sân bay có quy mô nhỏ hẹp, chỉ phù hợp với dòng máy bay cỡ nhỏ và công suất hạn chế, hiện tại, Cảng hàng không Điện Biên đã nâng quy mô đường cất hạ cánh lên độ dài 2.400m, rộng 45m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho máy bay Airbus A321, A320 và các dòng tương đương.
Bay Hà Nội – Điện Biên chỉ còn 1 tiếng di chuyển
Việc đưa vào khai thác an toàn máy bay cỡ lớn tại sân bay Điện Biên được coi là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, ngày 2/12, Cảng hàng không Điện Biên sau thời gian được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã chính thức được mở cửa trở lại. Là người đứng đầu tỉnh, ông đón nhận sự kiện này như thế nào?
Ông Lê Thành Đô: Phải khẳng định đây là một niềm vui lớn của Điện Biên. Trước thời điểm sân bay Điện Biên được mở cửa trở lại, ngay từ trưa ngày 1/12, chiếc máy bay Airbus A321 đã chạm bánh xuống mặt đường băng sân bay Điện Biên, đánh một dấu mốc đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử của sân bay đón nhận thành công một máy bay cỡ lớn, hiện đại.
Với việc sân bay Điện Biên được nâng cấp mở rộng, con đường phát triển của Điện Biên nói riêng và cả vùng kinh tế Tây Bắc ngày thêm một rộng mở và tươi sáng. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng mạnh mẽ về những đóng góp của dự án trọng điểm này đối với mục tiêu đưa Điện Biên trở thành một địa phương phát triển đột phá, nhanh và bền vững.
Để dự án về đích như hôm nay, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ ngành trung ương, đặc biệt là sự hỗ trợ về chuyên môn của Bộ GTVT và sự thống nhất trong quan điểm chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành, các cấp.
Bên cạnh đó, là sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công và đông đảo người lao động đã tập trung nguồn lực, tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công và đáp ứng tốt chất lượng của dự án.
Đặc biệt, dự án không thể hoàn thành nếu không có sự ủng hộ, đồng hành của người dân ở khu vực dự án. Để thực hiện dự án này, tỉnh Điện Biên đã phải thu hồi trên 200 ha đất của hơn 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó phần lớn các hộ dân đều hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án nên đều tự nguyện di dời và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công.
NĐT: Xin Chủ tịch cho biết rõ hơn, việc mở rộng nâng cấp sân bay Điện Biên có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của vùng kinh tế Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng?
Ông Lê Thành Đô: Trước hết, phải khẳng định, vận tải hàng không có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Điện Biên cũng như cả vùng Tây Bắc.
Lấy một ví dụ đơn giản, nếu như thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Điện Biên bằng đường bộ là khoảng 10 tiếng, thì với đường hàng không, quãng thời gian này chỉ là khoảng 1 tiếng, tức là giảm đi gấp 10 lần. Mà việc giảm 10 lần này còn có nhiều ý nghĩa hơn bởi hành khách sẽ không quá mệt mỏi vì phải di chuyển quá lâu và trên cung đường núi.
Trước khi được nâng cấp mở rộng, sân bay Điện Biên bị hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất/hạ cánh (vướng núi) nên chỉ có thể tiếp nhận được các máy bay cỡ nhỏ và vào ban ngày, trong điều kiện thời tiết cho phép.
Việc mở rộng nâng cấp đã giúp sân bay Điện Biên có đủ năng lực để tiếp nhận các máy bay lớn hơn trong các điều kiện thời tiết, nâng công suất phục vụ. Điều này có ý nghĩa quan trọng với vùng kinh tế Tây Bắc cũng như tỉnh Điện Biên.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế của tỉnh, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 thêm khoảng 15.000 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương năm 2025 sẽ tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 189 USD năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo giảm thêm khoảng 2% so với phương án hoàn thành sân bay sau năm 2025, góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.
Việc khai thông đường hàng không sẽ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thêm cơ sở, niềm tin để mạnh dạn về đầu tư kinh doanh tại Điện Biên. Đồng thời sẽ tác động đến liên kết, phát triển vùng, tác động đến liên kết phát triển tiểu vùng quốc tế.
Với vị trí địa lý tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phongsali và Luang Prabang (Lào), Điện Biên nằm trong mối liên kết quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN. Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với cố đô Luang Prabang (Lào), Côn Minh (Trung Quốc), Chiang Mai (Thái Lan) phát triển thương mại và dịch vụ du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước ASEAN đã thống nhất.
NĐT: Với những ý nghĩa quan trọng đó, tỉnh Điện Biên có định hướng như thế nào để khai thác hiệu quả sân bay Điện Biên trong thời gian tới?
Ông Lê Thành Đô: Trước hết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ban ngành có liên quan tập trung phối hợp với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Điện Biên để tổ chức mở cửa, khai thác trở lại sân bay, đảm bảo tuyệt đối an toàn và đúng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, hiện nay có 4 dự án hoàn trả liên quan đến dự án sân bay Điện Biên thuộc trách nhiệm của địa phương, bao gồm, dự án đường tránh sân bay nối tổ 1, 2 và tổ 8 phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ; dự án đường tránh sân bay nối từ đường đi xã Thanh Hưng và đi xã Thanh Luông, huyện Điện Biên; dự án đường nội đồng và kênh tiêu thoát nước; Dự án đường kết nối vào đài dẫn đường DVOR/DME. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành cần tập trung xử lý dứt điểm những vướng mắc, nhất là tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm đưa các dự án này về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng khi khai thác.
Đặc biệt, tỉnh Điện Biên cũng tập trung chỉ đạo các Sở ban ngành xây dựng phương án đề án để phát huy hiệu quả, triệt để vai trò của sân bay Điện Biên trong đó tập trung vào thu hút ngành du lịch và hoạt động đầu tư phát triển.
Ngay trong ngày 2/12, UBND tỉnh Điện Biên và Vietnam Airlines cũng đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 – 2028. Theo đó, tỉnh Điện Biên và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hợp tác để tỉnh Điện Biên nói riêng và Vùng kinh tế Tây Bắc nói chung tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội.
NĐT: Cùng với việc khai thông đường hàng không, Điện Biên định hướng và có cách làm như thế nào để tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, mở đường cho tỉnh phát triển đột phá, nhanh và bền vững?
Ông Lê Thành Đô: Điện Biên có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, dân cư phân bố rộng, rải rác nên việc phát triển hệ thống hạ tầng kết nối gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cần nguồn lực đầu tư rất lớn.
Đây có thể coi là “điểm nghẽn” lớn nhất trên chặng đường phát triển của địa phương bởi “giao thông đi trước mở đường”, nếu không có hạ tầng giao thông tốt thì Điện Biên rất khó có thể thu hút được các doanh nghiệp và khách du lịch dù tỉnh có nhiều tiềm năng, tài nguyên. Từ đó sức hút của tỉnh trên bản đồ phát triển kinh tế cũng bị suy giảm.
Trong những năm qua, trong điều kiện có nhiều khó khăn, Điện Biên đã nhận diện được vấn đề này và tập trung phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược, điển hình là dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và mạng lưới giao thông kết nối.
Ðiện Biên đã tranh thủ sự quan tâm của Bộ GTVT để đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như: Quốc lộ 12, quốc lộ 279B, quốc lộ 6, quốc lộ 4H, tạo thuận lợi cho giao thông kết nối Ðiện Biên với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế lân cận cũng như giao thương với các tỉnh bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); hình thành các khu vực kinh tế động lực, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Trần Thao – Mạnh Quốc