Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường ngày 1/10 để chính thức bầu ông Shigeru Ishiba, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do làm Thủ tướng thứ 102 của nước này. Nhưng con đường phía trước hứa hẹn sẽ có nhiều thác ghềnh đang chờ đón vị tân Thủ tướng của đất nước Mặt trời mọc.
Các nghị sĩ chúc mừng ông Ishiba Shigeru trở thành Thủ tướng Nhật Bản ngày 1/10. (Nguồn: Kyodo) |
Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tại phiên họp toàn thể Hạ viện sáng nay 1/10, ông Shigeru Ishiba đã nhận được 291/461 phiếu hợp lệ, chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh niềm tin của công chúng vào chính trị đang ở mức thấp, nền kinh tế bất ổn và các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng.
Trước đó vào ngày 27/9, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã tiến hành cuộc bầu cử chủ tịch đảng sau khi Thủ tướng Kishida Fumio bất ngờ tuyên bố từ chức do tỷ lệ ủng hộ sụt giảm mạnh và hàng loạt vụ bê bối chính trị trong nội bộ LDP.
Cuộc bầu cử này thu hút sự chú ý đặc biệt khi có đến 9 ứng cử viên tham gia, trong đó có cả những gương mặt có thể trở thành thủ tướng trẻ nhất hoặc nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng lại gây bất ngờ lớn khi ông Shigeru Ishiba – cựu Bộ trưởng Quốc phòng 67 tuổi, giành chiến thắng sát nút với tỷ số 215-194 trước Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi.
Đây là lần thứ năm ông Ishiba tranh cử vào vị trí này và lần đầu tiên thành công. Chiến thắng của ông được cho là nhờ có sự ủng hộ của Shinjiro Koizumi, ứng cử viên trẻ 43 tuổi – con trai cựu Thủ tướng Koizumi Junichiro sau khi ông Koizumi thất bại ở vòng đầu.
Mặc dù không giành được số phiếu cao nhất từ các đảng viên LDP, ông Ishiba lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nghị sỹ Quốc hội thuộc đảng. Điểm đáng chú ý là ông Ishiba có xuất thân khá khác biệt so với giới tinh hoa chính trị Nhật Bản truyền thống. Ông sinh ra ở vùng nông thôn, theo đạo Tin Lành và được biết đến với biệt danh “otaku” (mọt sách) và sở thích sưu tầm mô hình máy bay quân sự.
Nội các mới
Ngay sau khi đắc cử, ông Ishiba đã nhanh chóng bắt tay vào công tác nhân sự, đặc biệt là tập trung vào việc thành lập Nội các mới và cải tổ Ban lãnh đạo LDP. Trong danh sách Nội các mới gồm 19 bộ trưởng, chỉ có 2 người trong Nội các cũ của Thủ tướng Kishida được giữ lại là Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Tetsuo Saito (từ đảng Công Minh). Đáng chú ý, có tới 13 người lần đầu tiên vào Nội các, con số cao nhất từ trước đến nay.
Về các chức vụ chủ chốt trong Ban lãnh đạo LDP, cựu Thủ tướng Taro Aso giữ cương vị cố vấn cấp cao nhất trong đảng; cựu Thủ tướng Yoshihide Suga giữ chức Phó Chủ tịch LDP. Ngoài ra, ông Hiroshi Moriyama được bổ nhiệm giữ chức Tổng Thư ký LDP; ông Shunichi Suzuki giữ chức Chủ tịch Hội đồng chung; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Onodera Itsunori giữ chức Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách và ông Shinjiro Koizumi đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban chiến lược bầu cử.
Theo Kyodo, ông Ishiba sẽ giao các chức vụ chủ chốt là bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng cho hai người ủng hộ ông, những nhân vật được cho là có cùng quan điểm về vai trò và trách nhiệm toàn cầu của Nhật Bản.
Phong cách làm việc của ông Ishiba nổi tiếng tỉ mỉ, thậm chí được xem là “cứng nhắc”. Ông thường có những quan điểm độc lập về nhiều vấn đề chính sách quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Ông từng đề xuất việc sửa đổi thỏa thuận về triển khai lực lượng Mỹ tại Nhật Bản và ủng hộ việc sửa đổi các điều khoản hiến pháp về chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản. Những quan điểm này của ông có thể sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản trong thời gian tới.
Khó khăn cũ
Cuộc bầu cử chủ tịch LDP và khả năng tổng tuyển cử sớm cho thấy tình hình chính trị Nhật Bản đang có những biến động đáng chú ý, phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc cải thiện hình ảnh của đảng cầm quyền và tìm kiếm sự ủng hộ mới từ cử tri.
Về mặt đối nội, việc ông Ishiba nhanh chóng tập trung vào nhân sự cho vị trí chủ nhiệm ủy ban đối sách bầu cử, cụ thể là nhắm đến ông Koizumi Shinjiro – người giành được số phiếu cao nhất từ các nghị sỹ quốc hội LDP trong cuộc bầu cử vừa qua, cho thấy chiến lược chính trị nhạy bén của tân chủ tịch. Điều này không chỉ nhằm tận dụng uy tín và kinh nghiệm của ông Koizumi trong các chiến dịch bầu cử, mà còn là nước đi khôn ngoan để hàn gắn nội bộ đảng sau cuộc đua tranh quyết liệt.
Tuy nhiên, tân chủ tịch LDP sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong thời gian tới. Trước hết là việc cải thiện hình ảnh của LDP sau các vụ bê bối gần đây liên quan đến việc kê khai không đầy đủ thu nhập và chi tiêu, thậm chí có cáo buộc về hối lộ. Bên cạnh đó, ông Ishiba cũng cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách như lạm phát, chi phí sinh hoạt gia tăng, đồng Yên yếu và dân số già hóa.
Trên mặt trận đối ngoại, tân Thủ tướng Ishiba sẽ phải đối phó với tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc và các thách thức từ Triều Tiên, đồng thời củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra.
Việc giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử sớm cũng là một nước cờ mạo hiểm của ông Ishiba và LDP. Một mặt, có thể giúp đảng cầm quyền tận dụng sự ủng hộ ban đầu dành cho tân lãnh đạo và tạo ra động lực mới cho chính phủ. Mặt khác, cũng tiềm ẩn rủi ro lớn nếu LDP chưa kịp khắc phục được những tồn tại và đưa ra được các chính sách thuyết phục trong thời gian ngắn.
Phản ứng của phe đối lập, đặc biệt là động thái của đảng Dân chủ Lập hiến dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Noda Yoshihiko, cũng cho thấy cuộc đua tranh chính trị sắp tới sẽ vô cùng gay gắt. Ông Noda Yoshihiko cho biết đã khởi động cuộc đấu tranh với LDP ngay sau khi ông Ishiba giành chiến thắng hôm 27/9.
Ngoài ra, đặc biệt là quan hệ với Mỹ – đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản, việc ông Ishiba lên nắm quyền có thể mang lại những biến động đáng kể. Ông Ishiba từng đề xuất sửa đổi thỏa thuận về việc triển khai lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, ủng hộ việc sửa đổi các điều khoản hiến pháp về chủ nghĩa hòa bình và đề xuất thành lập một liên minh an ninh kiểu NATO ở châu Á.
Những quan điểm này thể hiện tham vọng nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế, có thể thúc đẩy nước này trở thành đối tác ngang hàng hơn với Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo ra những thách thức mới trong quan hệ Nhật-Mỹ và làm gia tăng lo ngại từ phía Trung Quốc.
Tựu trung, giới quan sát cho rằng, vị Thủ tướng thứ 102 của đất nước Mặt trời mọc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cả trên mặt trận đối nội và đối ngoại. Nhưng với kinh nghiệm chính trường dày dạn, tính cách cá nhân “đặc biệt” và sự ủng hộ trong LDP, tân Thủ tướng Ishiba được kỳ vọng sẽ từng bước hóa giải các thách thức.
Nguồn: https://baoquocte.vn/con-duong-gap-ghenh-phia-truoc-cua-tan-thu-tuong-nhat-ban-288388.html