Loài thằn lằn mới có tên khoa học Cyrtodactylus hangvaensis. Loài này được gọi tên bản địa là tắc kè ngón Hang Va, do chúng được phát hiện ở hang Va.
Theo đó, vừa qua, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, một loài thằn lằn mới vừa được phát hiện tại hang Va bởi các nhà khoa học Việt Nam.
Được biết, nhóm nghiên cứu tình cờ phát hiện thằn lằn ngón hang Va bám trên vách đá khi màn đêm buông xuống.
Loài thằn lằn mới này có kích thước gần 13cm với đôi mắt to, đầu hình tam giác, màu xanh lục. Đây là loài thằn lằn ngón thứ 4 được phát hiện ở Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tắc kè ngón hang Va được mô tả trong đề tài nghiên cứu đa dạng sinh học tại hang Sơn Đoòng, do PGS. TS Vũ Văn Liên (Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam), làm chủ nhiệm.
Phát hiện loài thằn lằn mới, một loài động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Khu vực hang Va là nơi đầu tiên và duy nhất cho tới hiện nay tìm thấy loài động vật hoang dã này. Nghiên cứu được công bố trên Zootaxa, tập san khoa học quốc tế dành cho các nhà phân loại sinh vật.
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi có hệ động vật, thực vật vô cùng đa dạng và phong phú với 2.953 loài thực vật, 1.394 loài động vật hoang dã.
Trong đó, có 43 loài mới phát hiện cho khoa học và nhiều loài quý hiếm, loài chỉ thị cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi.
Trong tháng 8/2024, các nhà khoa học sẽ có báo cáo cụ thể với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng về đề tài nghiên cứu đa dạng sinh học tại hang Sơn Đoòng.
Nguồn: https://danviet.vn/con-dong-vat-hoang-da-moi-tinh-co-phat-hien-o-mot-hang-da-o-quang-binh-la-loai-gi-quy-hiem-co-nao-20240806194739848.htm