Những “cú trượt dốc” của ngành công nghiệp châu Âu lừng lẫy một thời có lẽ sẽ giống như một “cơn đau đầu” thoáng qua?
Tin tốt là EU đã có lộ trình hiện đại hóa công nghiệp bền vững bằng Thỏa thuận Xanh. (Nguồn: Getty Images) |
Giới truyền thông quốc tế bình luận, ô tô – ngành công nghiệp từng làm nên những tên tuổi châu Âu, đang “rơi tự do”. Volkswagen cùng nhiều thương hiệu ô tô lừng danh của châu Âu đang phải cân nhắc đến việc đóng cửa các nhà máy.
Vì thực tế là không chỉ “người khổng lồ” của nước Đức – Volkswagen, ngay cả nhà máy sản xuất xe hơi hạng sang thương hiệu Audi tại Bỉ cũng đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa; nhà sản xuất ô tô Pháp Renault và tập đoàn ô tô Stellantis gồm 14 thương hiệu khác nhau của Italy đều đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hoạt động dưới công suất.
“Tự kết án”?
Cảnh báo về tình trạng suy giảm ngành sản xuất ở hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), báo cáo cập nhật về khả năng cạnh tranh của EU do cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi gửi lên Ủy ban châu Âu (EC) vào đầu tháng Chín, nêu rõ, EU đang “tụt hậu” so với Trung Quốc, Mỹ và EU-27 đang tự kết án một cách “chậm chạp và đau đớn” nếu không thay đổi.
Ông Draghi kêu gọi hành động quyết liệt để ngăn chặn nền kinh tế khu vực đình trệ khi suy thoái đang phản ánh tình trạng thiếu khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu, trước sự lấn lướt của Mỹ, Trung Quốc và châu Á.
Tín hiệu này vừa gây chú ý, vừa đáng lo ngại, khi sản lượng công nghiệp tại bốn nền kinh tế lớn nhất châu Âu đều đang suy giảm. Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 13/9, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều ghi nhận mức giảm theo năm về sản lượng hàng hóa vốn và hàng tiêu dùng lâu bền. Xu hướng này dường như còn mở rộng sang các quốc gia khác và tác động đến toàn bộ lục địa.
Theo đó, từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024, sản lượng công nghiệp giảm 2,2% ở khu vực đồng Euro và giảm 1,7% ở EU. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mức giảm mạnh nhất được Eurostat ghi nhận là ở Hungary (-6,4%), Đức (-5,5%), Italy (-3,3%) và Pháp (-2,3%). Mặt khác, một số ít quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng, chẳng hạn như Đan Mạch (+19,8%), Hy Lạp (+10,8%) và Phần Lan (+6,4%).
Các nhà sản xuất châu Âu đang trải qua giai đoạn nhu cầu trong nước chậm chạp, tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề và trên hết là cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột quân sự Nga – Ukraine (từ tháng 2/2022) gây ra, khiến lợi thế tiếp cận khí đốt giá rẻ của Nga bị chấm dứt.
“EU đang phải đối mặt với giá năng lượng trung bình cao gần gấp đôi Mỹ và Trung Quốc. Đây là trở ngại lớn về mặt cấu trúc xét về khả năng cạnh tranh và năng suất công nghiệp”, người đứng đầu Trung tâm năng lượng – khí hậu tại Viện kinh tế Rexecode – Raphaël Trotignon phân tích.
Tờ Le Monde phản ánh hiện tượng domino xảy ra ở phía Đông sông Rhine, suy thoái công nghiệp đang ảnh hưởng đến các quốc gia Trung Âu như Romania, C. Zech và Bulgaria – những nền kinh tế vốn phụ thuộc vào ngành công nghiệp ô tô của Đức.
Trong khi đó, một trong những đầu tàu châu Âu khác là Pháp – đang tụt hậu ngày càng xa, khi ghi nhận các chỉ số “kém vui” về cả tăng trưởng bình quân đầu người, thương mại quốc tế và thâm hụt tài chính công. Quá trình tái công nghiệp hóa bắt đầu từ nhiều năm trước tại quốc gia này đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây – đặt ra thách thức lớn đối với chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier.
Cần cả “cây gậy” và “củ cà rốt”
Tờ Project Syndicate bình luận, những lựa chọn mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra cho những năm tới sẽ quyết định liệu ngành công nghiệp châu Âu có tương lai lâu dài hay không. Nếu EU không đảo ngược được đà suy giảm hiện nay, thì người châu Âu có thể sẽ không còn các ngành công nghiệp vốn là xương sống kinh tế trong nhiều thập kỷ.
Trong khi đó, các cường quốc kinh tế đối thủ đều đã có bước tiến đáng kể trong hiện đại hóa công nghiệp. Hai thập kỷ chiến lược công nghiệp quyết liệt đã mang lại cho Trung Quốc vị thế thống lĩnh trong hầu hết các chuỗi cung ứng công nghệ sạch. Mỹ đã rất nỗ lực trong chính sách công nghiệp của riêng mình với Đạo luật CHIPS và khoa học, Đạo luật giảm lạm phát (IRA)…
Nguyên nhân chính khiến năng suất của EU tụt hậu so với Mỹ vào giữa thập niên 1990 là việc họ không tận dụng được làn sóng cách mạng số đầu tiên do Internet dẫn dắt – cả trong việc sáng lập các doanh nghiệp công nghệ mới, cũng như phổ biến công nghệ số trong nền kinh tế. Bởi phân tích thực tế, nếu loại trừ lĩnh vực công nghệ, tăng trưởng năng suất của EU trong hai thập kỷ qua về cơ bản vẫn ngang bằng với Mỹ”, đây là trích đoạn từ báo cáo của Mario Draghi về năng lực cạnh tranh của châu Âu, chỉ ra khía cạnh cốt lõi trong chương trình nghị sự tương lai của EU nếu muốn đạt được mục tiêu “tự chủ chiến lược”.
Trong gần 20 năm, EU đã ủng hộ “cây gậy” với giao dịch khí thải hơn là “củ cà rốt” hoặc các động lực tích cực cho quá trình khử carbon. Do vậy, môi trường pháp lý rộng rãi và nghiêm ngặt của EU đôi khi trở thành một hệ quả phụ, kìm hãm đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí tái cơ cấu cao hơn so với các đối thủ, đặt họ vào thế bất lợi nghiêm trọng trong các lĩnh vực đổi mới cao, nơi có đặc điểm “người thắng cuộc chiếm lĩnh thị trường”.
Andrew McAfee, chuyên gia uy tín từ Viện công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định, tình trạng ngành công nghiệp EU rất bấp bênh. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở thiếu vốn – hiện các chính phủ EU chi tiêu một khoản (và tỷ lệ GDP) gần tương đương với chính phủ Mỹ để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Đúng là nguồn chi này bị phân tán giữa các quốc gia thành viên, nhưng đó không phải là vấn đề cốt lõi.
“Đó chính là sự can thiệp của chính phủ vào hệ sinh thái này, không phải bằng chính sách trợ cấp hay khuyến khích phát triển, mà bằng luật lệ và quy định, cũng như các ràng buộc, hạn chế và gánh nặng khác đối với doanh nghiệp”, chuyên gia này lập luận.
Trong khi đó, tờ FT đưa ra mảnh ghép khác từ thách thức của cuộc cách mạng số. Theo đó, cũng không hợp lý khi cho rằng, EU thiếu vốn cho các cơ hội công nghệ hấp dẫn, dù việc cải cách thị trường vốn sẽ góp phần phát triển một ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm lớn mạnh hơn tại khu vực. Tuy nhiên, hiện đầu tư mạo hiểm ở EU chỉ bằng 1/5 so với Mỹ trong năm 2023 không phải do thiếu nguồn, mà là do thất bại trong kiến tạo hệ sinh thái công nghệ cần thiết.
Báo cáo của cựu Chủ tịch ECB thừa nhận vấn đề của EU: “Chúng ta đã nói nhiều lần rằng tốc độ tăng trưởng công nghiệp đang chậm lại ở châu Âu, nhưng cho đến hai năm trước, chúng ta vẫn phớt lờ điều đó, vì cho rằng mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp”. Đồng thời, báo cáo nhấn mạnh: “Tin tốt là EU đã có lộ trình hiện đại hóa công nghiệp bền vững bằng Thỏa thuận Xanh – bộ chính sách rộng khắp, nhằm biến EU thành một nền kinh tế hiện đại, tiết kiệm tài nguyên và có sức cạnh tranh… Tuy vậy, thật không may, đây không phải là giải pháp dễ dàng và chúng ta còn phải vượt qua rất nhiều thách thức mới thành công”.
May mắn thay, lịch sử EU cho thấy trong những giai đoạn đặc biệt, họ đã từng vượt qua nhiều trở ngại khi có ý chí chính trị.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nganh-cong-nghiep-chau-au-con-dau-dau-thoang-qua-289568.html