Lợi nhuận lao dốc, Con Cưng bán hàng đội giá gấp 10 lần, “móc túi” người tiêu dùng
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư Con Cưng công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 (kỳ báo cáo từ 1/1/2022 đến 31/12/2022) với lợi nhuận sau thuế năm 2022 gần 4,7 tỷ đồng, giảm 95% so với con số lãi gần 90 tỷ đồng của năm 2021.
Tính tới 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Đầu tư Con Cưng đạt gần 730 tỷ đồng. Tương ứng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) rơi sâu từ 12,38% xuống còn vỏn vẹn 0,64%. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lại tăng mạnh từ mức 2,56 lần cuối năm 2021 lên 3,55 lần vào cuối năm ngoái. Tương ứng, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này đã tăng thêm 588 tỷ đồng, lên mức 2.444 tỷ đồng tuy nhiên không còn dư nợ trái phiếu.
Trong năm 2021, Đầu tư Con Cưng đã có nhiều đợt huy động trái phiếu. Vào trung tuần tháng 1/2021, doanh nghiệp này đã huy động thành công hai lô trái phiếu mã CCIH2122001 và CCIH2122002 với tổng giá trị thu về 115 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Cả hai lô trái phiếu này đều đã đáo hạn vào năm 2022, trong đó CCIH2122001 đáo hạn tháng 01/2022, còn CCIH2122002 đáo hạn tháng 07/2022. Trước đó vào tháng 6/2019 và tháng 7/2020, Đầu tư Con Cưng cũng 2 lần phát hành trái phiếu tổng giá trị hơn 137 tỷ đồng, lãi suất huy động đều là 11%/năm.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, Đầu tư Con Cưng còn vướng vào lùm xùm liên quan đến bày bán các sản phẩm có dấu hiệu không đăng ký kê khai giá bán lẻ, đội giá gần 10 lần, gây bức xúc trong dư luận. Dù đã được phản ánh vi phạm, nhưng các cửa hàng và cả shop online của doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên bày bán các sản phẩm trên.
Phóng viên của báo Nhà báo & Công luận mới đây nhất đã từng đưa thông tin về vụ việc này. Cụ thể, nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đăng ký kê khai giá bán lẻ, đội giá chục lần so với giá nhập khẩu trong các bài viết “Nhập với giá rẻ, nhưng hàng loạt thực phẩm chức năng cho trẻ em bị ‘thổi giá’ trên trời nhờ mác nhập ngoại”; “Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, Con Cưng vẫn bán sản phẩm vi phạm bất chấp thiệt hại của khách hàng”…
Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã gặp và trao đổi với nhiều khách hàng khi mua phải những sản phẩm chưa được kê khai giá tại các chuỗi cửa hàng của Con Cưng. Tất cả đều bất ngờ trước thông tin nhiều sản phẩm Con Cưng đang kinh doanh bị báo chí phản ánh vi phạm pháp luật, bị đẩy giá lên gấp nhiều lần. Thậm chí, sau khi bị các cơ quan báo chí phản ánh, nhưng Con Cưng vẫn lờ đi và các sản phẩm vẫn được bày bán trên kệ hàng, “vô tư” móc túi khách hàng.
Thậm chí, PV đã nhiều lần liên hệ với bộ phận truyền thông của chuỗi cửa hàng này để tìm câu trả lời về quy trình xử lý, xác minh và thu hồi các sản phẩm. Tuy nhiên, phía Con Cưng dường như vẫn cố tình im lặng, bỏ ngỏ câu trả lời về vấn đề này, không hề có một thông tin phản hồi nào về vụ việc.
Qua trao đổi với các chuyên gia và luật sư về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc Con Cưng vẫn “nhắm mắt” bán các sản phẩm chưa kê khai giá, khiến khách hàng phải mua với giá gấp 10 lần là do chế tài xử lý còn nhẹ so với lợi ích thu được.
Bởi lẽ, với mức phạt và quy trình khắc phục theo quy định, khi đem so sánh với lợi nhuận mà các chuỗi cửa hàng mẹ và bé như Con Cưng có thể nhận được khi kinh doanh sản phẩm đội giá quả thật là muối bỏ bể.
Có lẽ vì lý do đó mà cho đến thời điểm hiện tại, chuỗi cửa hàng Con Cưng vẫn tiếp tục kinh doanh loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Thậm chí bỏ ngoài tai cả những lời cảnh báo được gửi đến mà không hề có thông tin phản hồi cũng như biện pháp xử lý những sai phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Lai lịch của Đầu tư Con Cưng
Đầu tư Con Cưng được thành lập vào ngày 25/09/2015, với ba cổ đông sáng lập là Lưu Anh Tiến, Lê Thái Mỹ Linh và Nguyễn Quốc Minh (giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật hiện nay của CCI). Doanh nghiệp hoạt động chính là nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận; có địa chỉ tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Vốn điều lệ ban đầu của Đầu tư Con Cưng ở mức 26,25 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài chiếm hơn 33,4%. Sau nhiều lần tăng vốn, doanh nghiệp này đã nâng vốn điều lệ lên hơn 33,5 tỷ đồng. Trong đó, nước ngoài chiếm 49,36% với các nhà đầu tư gồm Daiwassiam Vietnam Growth Fund Ii L.P nắm 9,13% vốn, Felix Investment Holdings Pte. Ltd. 31,4% và ông Lee Young Hoon 8,83%.
Đầu tư Con Cưng là công ty mẹ của 3 pháp nhân gồm CTCP Con Cưng, CTCP Thương mại Liam và CTCP Tập đoàn Sakura. Trong đó, hạt nhân là Con Cưng với vốn điều lệ 358 tỷ đồng do ông Nguyễn Quốc Minh làm Chủ tịch HĐQT, chuyên phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ cho mẹ và bé như Con Cưng, Toycity, CF (Con Cưng Fashion).
Đầu năm 2022, Con Cưng đã nhận được khoản đầu tư 90 triệu USD từ quỹ Quadria Capital. Sau đó, Con Cưng ra mắt mô hình kinh doanh mới Super Center, với cửa hàng đầu tiên nằm ở khu “đất vàng” Ngã 6 Phù Đổng, quận 1, TPHCM.
Hiện tại, con số cửa hàng Con Cưng, bao gồm 708 siêu thị Con Cưng, Toycity và CF tại hơn 50 tỉnh thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở TPHCM (207 siêu thị), Đồng Nai (61 siêu thị) và Bình Dương (59 siêu thị). Con Cưng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ mở 2.000 cửa hàng và sở hữu 200 – 300 Super Center.