Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động thủ đô năm 2023 vừa diễn ra, ông Lê Đình Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội, cho biết năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn thành phố tăng hơn so với năm 2021; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý 1, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao…; còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các KCN và chế xuất.
Ngoài ra, theo ông Hùng, hiện các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao, khu vui chơi giải trí… phục vụ công nhân ở các KCN tập trung hầu như chưa có.
“Đặc biệt, khối trường THPT còn thiếu, cùng với đó, cơ chế là chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường THPT công lập. Điều này gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường THPT dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của công nhân lao động”, ông Hùng nói.
Nêu kiến nghị tại buổi gặp gỡ, anh Nguyễn Quang Đông, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, cho rằng do nhu cầu phát triển kinh tế nên Hà Nội cần rất nhiều lao động từ các tỉnh, thành khác. Khi người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội làm việc và tạm trú tại các quận, huyện, họ lập gia đình rồi con cái được sinh ra và lớn lên tại nơi tạm trú. Các cháu được các trường công lập trên địa bàn tiếp nhận học từ mẫu giáo, tiểu học đến hết THCS.
Tuy nhiên, khi thi vào THPT, con em người lao động không được đăng ký thi và học các trường công lập của thành phố mà chỉ được học dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội hoặc phải gửi về quê để học tập.
“Chúng tôi thấy đây là một sự phân biệt, đối xử không được công bằng trong các nhóm lao động của thành phố. Vậy, kính đề nghị thành phố xem xét việc này, để người lao động ngoại tỉnh đang tạm trú lâu dài trên địa bàn thành phố yên tâm công tác và tạo sự công bằng cho các con”, anh Đông bày tỏ.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, đề xuất con em cán bộ, công nhân trong KCN không có HKTT tại Hà Nội vẫn được dự thi vào các trường THPT công lập là hoàn toàn hợp lý.
“Vì chúng ta sinh sống và làm việc trên địa bàn, cống hiến, được coi như là công dân thủ đô, có quyền bình đẳng. Tôi cho rằng ý kiến này rất hợp lý và tôi sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố để có thay đổi trong thời gian tới”, ông Tiến nói.
Về vấn đề giáo dục cho con em công nhân lao động tại các KCN, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhìn nhận, lời của ông Phạm Xuân Tiến vừa nói rất “hoành tráng” và quan điểm chung là đồng tình với ý kiến này; tuy nhiên cần có lộ trình, phương pháp tiếp cận để công bằng và hài hòa, để không đảo ngược chính sách.