Theo báo Kyodo News, tại Gili-Gili – một cửa hàng chuyên bán cơm nắm Nhật Bản ở trung tâm Paris thuộc sở hữu của Samuel Trifot, một người Pháp và vợ – thực khách bắt đầu lũ lượt xếp hàng vào buổi trưa để mua cơm nắm với nhân “kombu” (tảo bẹ), “umeboshi” (mận Nhật ngâm) và các loại nhân khác.
Giá của một phần cơm nắm từ 3 – 4 euro (khoảng 490 – 650 yen), được coi là đắt đỏ ở Nhật Bản.
Nhưng ở Paris, thủ đô nước Pháp, mức giá này là một lựa chọn cạnh tranh. Nếu mua ba phần cơm nắm có thể sẽ rẻ hơn một bữa ăn trưa cho một người.
Người Pháp chuộng cơm nắm Nhật Bản vì sự tiện lợi, lành mạnh
Một phụ nữ 28 tuổi làm việc trong ngành xuất bản, mua một phần cơm nắm nhân cá ngừ và xốt mayo tại cửa hàng của anh Trifot cho biết: “Nó tốt cho sức khỏe và dễ ăn. Với tôi, có lẽ nó còn ngon hơn một chiếc bánh mì baguette”.
Cùng với việc có thể thưởng thức khi đang di chuyển trên tàu, xe, cơm nắm Nhật Bản còn được nhiều người dân Pháp ưa chuộng bởi chúng không chứa gluten, một chất có thể gây tổn thương niêm mạc ruột non ở người bị bệnh Celiac.
Các loại nhân khác nhau, có sẵn trong cơm nắm Nhật Bản tạo ra nhiều sự lựa chọn cho thực khách, kể cả những người theo chế độ thuần chay.
Cơm nắm cũng đã trở thành món ăn phổ biến tại các siêu thị và các cửa hàng tạp hóa trong hai năm qua và đang được thực khách ở Paris công nhận rộng rãi hơn.
Thúc đẩy xuất khẩu gạo Nhật
Theo Kyodo News, tiếng vang của cơm nắm Nhật Bản lan xa ở Paris là nhờ vào nhà hàng đặc sản Omusubi Gonbei.
Nhà hàng chọn Paris làm điểm dừng chân đầu tiên tại châu Âu vì họ cho rằng nhiều người dân ở đây có vị giác “nhạy cảm”, yêu thích mùi vị của cơm nắm.
Nhà hàng Omusubi Gonbei đã mở chi nhánh thứ hai ở thủ đô Paris vào tháng 2 năm ngoái và vẫn rất đông khách.
Daisuke Sato, 51 tuổi, đại diện nhà hàng Omusubi Gonbei tại địa phương, cho biết cơm nắm Nhật Bản là một loại thực phẩm phù hợp với thời đại hiện nay bởi tính linh hoạt, sự lành mạnh của nguyên liệu, phù hợp với người ăn thuần chay, người Hồi giáo.
Hầu như mọi người thuộc mọi tôn giáo khác nhau đều có thể ăn được cơm nắm Nhật Bản.
Daisuke Sato cho biết sở dĩ nhà hàng Omusubi Gonbei bán cơm nắm chạy ở Pháp là nhờ vào hương vị đặc trưng của gạo Nhật, nguyên liệu chính của món cơm.
Ông nói: “Gạo lứt nhập khẩu từ Nhật Bản, được xay và chế biến tại cửa hàng ở Pháp. Món cơm nắm ngon nhất là khi được chế biến từ gạo lứt Nhật”.
Với sự bùng nổ của món đặc sản quê nhà này ở Pháp, Chính phủ Nhật Bản cũng mong muốn cơm nắm sẽ “mở đường” cho sự gia tăng xuất khẩu gạo của Nhật Bản.
Nguồn: https://tuoitre.vn/com-nam-nhat-ban-co-gi-ma-duoc-nguoi-phap-ua-chuong-20240602123341621.htm