Gạo được nấu chín thành cơm là thực phẩm chính trong bữa ăn hằng ngày của người Việt, thế nhưng không phải ai cũng biết dinh dưỡng chứa trong thực phẩm này.
Trong gạo có gì?
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100g gạo tẻ có chứa khoảng 74g chất bột đường; 9,4g chất đạm; 4,47g chất béo và nhiều vi chất khác.
Lớp ngoài cùng của hạt và mầm hạt gạo đều chứa các chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, canxi và vitamin nhóm B.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết gạo là thực phẩm cung cấp carbohydrate khá hiệu quả, qua đó cung cấp năng lượng để duy trì các hoạt động trong cơ thể.
Ngoài ra, trong gạo có chứa canxi giúp xương chắc khỏe hơn và giảm nguy cơ loãng xương, sâu răng, gãy xương… Một số nghiên cứu cũng chỉ ra tinh bột kháng có trong gạo sau khi nấu chín và được làm nguội rất tốt cho tiêu hóa, đại tràng.
Gạo còn có thể dùng làm thuốc
Ông Sáng cho biết ngoài là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, gạo còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Trong y học cổ truyền, gạo tẻ có vị ngon ngọt, mát, tính bình. Tác dụng quy kinh vào tỳ và vị, giúp bổ khí huyết, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Cách dùng thường là nấu cơm, cháo ăn để bồi bổ sức khỏe.
Các trường hợp gặp vấn đề tiêu hóa, khó tiêu có thể dùng gạo tẻ sắc uống hoặc nấu cháo ăn, giúp kiện tỳ, thông huyết mạch, tiêu hóa tốt.
Trong dân gian thường dùng gạo tẻ sao cháy khoảng 40g, 5 lát gừng, muối kết hợp thành bài thuốc sắc uống để điều trị nôn mửa, rối loạn tiêu hóa.
Theo ông Sáng, không chỉ gạo mà ngay cả cám gạo cũng được dùng làm thuốc. Cám gạo hay còn gọi là kháng tỷ có vị ngọt, tính bình.
Cám gạo có tác dụng khai vị, hạ khí, chống đói, được chủ trị các chứng nghẹn, tê phù.
Người bị phù dùng cám gạo, đậu đỏ, gạo nếp, mật mía nấu thành chè ăn hoặc sắc lấy nước uống để điều trị.
Ngoài ra, thân cây lúa (rơm, rạ) là thứ thường bị bỏ đi cũng có thể dùng làm thuốc và chế thành món ăn bổ dưỡng.
Ông Sáng lưu ý khi nấu cơm, mọi người không nên vo gạo kỹ, tránh làm mất dinh dưỡng quý.
Ngoài ra, mọi người nên bảo quản gạo ở nơi khô ráo, tránh để gạo bị mốc vì thực phẩm bị mốc sẽ tạo ra độc tố có hại cho sức khỏe. Khi gạo đã bị mốc cần vứt bỏ và tuyệt đối không sử dụng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/com-co-dinh-duong-the-nao-20241210202952095.htm