Ý thức được ý nghĩa của cơ chế UPR, Bộ Công an luôn coi trọng quá trình thực hiện các khuyến nghị nhằm thúc đẩy bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại chủ trì Toàn cảnh Tọa đàm về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của LHQ về quyền con người. (Ảnh: NL) |
Ngày 21/3, Cục Đối ngoại, Bộ Công an tổ chức Toạ đàm về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền con người (UPR). Buổi Toạ đàm có sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ các đơn vị, địa phương trong Bộ Công an, do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại chủ trì.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu được lắng nghe các chuyên gia, học giả đầu ngành về quyền con người, bao gồm PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền Con người; Thạc sỹ Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Thạc sỹ Nguyễn Vũ Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Tư pháp giới thiệu khái quát về cơ chế UPR; tác động, ảnh hưởng của Cơ chế đối với Việt Nam; quá trình xây dựng và trình bày báo cáo tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Cơ chế UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền LHQ, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người với nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch. Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong xuyên suốt 18 năm qua – kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập (2006 – 2024) và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.
Toàn cảnh Tọa đàm về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của LHQ về quyền con người. (Ảnh: NL) |
Ý thức được ý nghĩa của cơ chế UPR, Bộ Công an luôn coi trọng quá trình thực hiện các khuyến nghị, coi đây không chỉ là việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Công an trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mà còn là cơ hội để các cơ quan, đơn vị trong Bộ Công an, Công an các địa phương xem xét một cách toàn diện về chính sách, pháp luật cũng như quá trình thực tiễn đảm bảo các quyền con người trong công tác công an.
Từ đó, đúc rút những kinh nghiệm, phát hiện những sơ hở thiếu sót trong hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước, những bất cập trong thực tiễn có thể ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người của công dân. Trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.
Trong quá trình tham gia thực hiện theo Cơ chế UPR, các đơn vị trong Bộ Công an không tránh khỏi một số khó khăn, thách thức trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Tọa đàm “Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của LHQ về quyền con người” nhằm mục đích Giới thiệu khái quát về cơ chế UPR; tác động, ảnh hưởng của Cơ chế đối với Việt Nam; quá trình xây dựng và trình bày báo cáo tại Hội đồng Nhân quyền LHQ… Và trên hết là nâng cao hiệu quả tham gia vào Cơ chế UPR của Bộ Công an nói riêng, Việt Nam nói chung trong các chu kỳ UPR tới.