Chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện tình hữu nghị sâu đậm “vừa là đồng chí vừa là anh em”, là mốc son lịch sử góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam – Trung Quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ – Một kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh
|
Ứng dụng công nghệ 3D Mapping tái hiện bức tranh Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng
|
Theo tham luận của Thượng tá, TS Phan Sỹ Phúc (Viện Lịch sử quân sự) tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” diễn ra tháng 4/2024 tại tỉnh Điện Biên: Những năm 1950-1954, thực hiện thỏa thuận giữa Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ Quốc phòng hai nước, cùng với sự chi viện về vật chất, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã sang công tác bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cố vấn Trung Quốc đã tham gia nhiều ý kiến đối với các hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực Việt Nam trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với một số lượng vật chất, vũ khí, phương tiện, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã tham mưu các chủ trương, biện pháp điều hành tác chiến, phối hợp, giúp đỡ và cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy của ta xây dựng kế hoạch, góp phần vào thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng, bên trái) và các cố vấn Trung Quốc: Trần Canh (giữa), Vi Quốc Thanh (phải), những người đồng chí chân tình luôn ủng hộ và có nhiều đóng góp quý báu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu: KT) |
Đoàn Cố vấn Trung Quốc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều cấp, đi cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch và các đơn vị của ta. Cấp Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh có: Vi Quốc Thanh – Trưởng đoàn cố vấn quân sự, Mai Gia Sinh – Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn; Đặng Dật Phàm, Trưởng nhóm Cố vấn chính trị Đoàn cố vấn quân sự – cố vấn công tác chính trị; Nhữ Phu Nhất – cố vấn Cục Tác chiến. Cùng với đó là cố vấn cho các đại đoàn và các lực lượng binh chủng, ngành, cố vấn cấp trung đoàn, cán bộ giúp việc, cảnh vệ, phiên dịch cho các lãnh đạo Đoàn.
Quá trình phối hợp, giúp đỡ của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc với lãnh đạo, chỉ huy và các đơn vị ta có thể khái quát ba nội dung sau: Cố vấn quân sự phối hợp với cán bộ tham mưu tác chiến của ta khảo sát, chuẩn bị chiến trường, xây dựng phương án tác chiến chiến dịch; tham mưu triển khai công tác chuẩn bị; trao đổi, ủng hộ thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, thắng chắc”; cố vấn tham mưu, phối hợp với các lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và chỉ huy các đơn vị ta trong quá trình tiến hành chiến dịch.
Theo tham luận, trong quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm mới ” đánh chắc, thắng chắc”, ở cơ quan chỉ huy chiến dịch cũng như ở các đại đoàn, các cố vấn Trung Quốc đã giúp đỡ ta một cách tích cực, nhiệt tình. Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh đã trực tiếp giới thiệu cách xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho cán bộ Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiệm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc… Phó đoàn trưởng Mai Gia sinh đã hướng dẫn công binh Việt Nam xây dựng trận địa mẫu để cán bộ các đơn vị tham quan học tập. Bạn gọi đây là biện pháp “Cận bách tác nghiệp” – tiếp cận địch bằng các hào chia cắt, tổ chức một bộ phận ra sức đào giao thông hào để chia cắt, bao vây, áp sát cứ điểm địch, sau đó bất ngờ công kích, như vậy vừa giảm được thương vong lại vừa thêm phần chắc thắng.
Cố vấn ở các đơn vị đã hướng dẫn cụ thể cho cán bộ Việt Nam ở thực địa, nên việc làm đường và xây dựng trận địa cho bộ binh, pháo binh, cao xạ được tiến hành thuận lợi. Bạn đã giới thiệu cho ta kinh nghiệm chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch vây hãm quân Tưởng ở Hoài Hải, của Chí nguyện quân Trung Quốc ở Triều Tiên… Bộ đội ta đã vận dụng những kinh nghiệm đó một cách sáng tạo.
Giai đoạn hai chiến dịch, các cuộc tiến công khu Trung tâm của ta gặp nhiều khó khăn. Hai bên giao tranh vô cùng quyết liệt. “Đứng trước tình hình mới xuất hiện, những người bạn chiến đấu Việt – Trung cùng nhau nghiên cứu tiếp tục áp dụng cách đánh đào chiến hào ngang dọc, đánh dũi đánh lấn, chia cắt bao vây, tiêu diệt từng lô cốt quân địch, khi đó gọi cách đánh này là chiến thuật “Bóc măng tre”.
“Để có thể vây hãm dài ngày và lần lượt tiến công từng bộ phận quân địch, theo kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc do các cố vấn Trung Quốc trực tiếp giới thiệu, ta đã xây dựng thành công hệ thống trận địa tiến công và bao vây chiến dịch”, Thượng tá, Tiến sĩ Phan Sỹ Phúc cho biết.
Trong đợt cuối của chiến dịch, được sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc, ngày 22/4/1954, ta thành lập tiểu đoàn hỏa tiễn H.6 (Tiểu đoàn 224) để kịp thời phát huy hỏa lực. Hỏa tiễn 6 nòng do Trung Quốc cải tiến theo công thức Ka-chiu-sa của Liên Xô. Tiểu đoàn có 2 đại đội, mỗi đại đội có 6 khẩu, tổng 12 khẩu, 72 nòng. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 224 đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn cố vấn Trung Quốc 7 người và 2 phiên dịch triển khai luyện tập.
Trong 7 ngày luyện tập, các cố vấn nhiệt tình truyền đạt kỹ thuật bắn và kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. 12 giờ ngày 2/5/1954, Tham mưu trưởng Đại đoàn và đoàn cố vấn đến kiểm tra các trận địa pháo và công tác chuẩn bị. Chiều 6/5/1954 ta tiến hành tổng công kích toàn mặt trận. Tiểu đoàn khai hỏa lúc 19 giờ 30, bắn vào Sở chỉ huy địch, một số trận địa pháo và lực lượng địch phản kích ở hai đầu cầu Mường Thanh. Từ đêm 6/5 đến khoảng 9 giờ sáng 7/5, Tiểu đoàn bắn cấp tập 3 lượt chính xác vào các mục tiêu, khiến cho quân Pháp thêm phần hoảng loạn.
Tại Sở chỉ huy chiến dịch và các đơn vị trực tiếp chiến đấu, các chỉ huy của ta và bạn luôn trao đổi, rút kinh nghiệm, thống nhất các biện pháp khắc phục khó khăn, xử lý các tình huống đưa chiến dịch phát triển. 14 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, nắm vững thời cơ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hội ý với cố vấn Vi Quốc Thanh và quyết định: tranh thủ lúc địch đang rối loạn, ra lệnh ngay cho các đơn vị đồng loạt mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh.
Chiều 7/5/1954, giờ phút chiến dịch toàn thắng, cố vấn Vi Quốc Thanh gọi điện: “Chúc mừng Võ Tổng và các đồng chí Việt Nam!”. Đại tướng trả lời: “Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của đồng chí Vi, các đồng chí cố vấn và nhân dân Trung Quốc!”
Về sự giúp đỡ của Trung Quốc nói chung, cố vấn Trung Quốc nói riêng trong kháng chiến chống Pháp, cũng như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc tại một hội thảo tại do Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây và Viện nghiên cứu Đông Nam Á Quảng Tây tổ chức hồi tháng 5/2014, cho biết: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam với tinh thần quốc tế, cũng như nhiều bạn bè quốc đã tham gia giúp đỡ trong cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc. Với tinh thần đó, đoàn cố vấn Trung Quốc đã cùng với lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiết lập mối quan hệ tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, đoàn kết một lòng.
Phó Giáo sư Nông Lập Phu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc khẳng định: Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện tình hữu nghị sâu đậm “vừa là đồng chí vừa là anh em”, là mốc son lịch sử góp phần tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Về giúp đỡ vật chất, “Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất”. Trong 8 tuần diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc cung cấp hơn 8.200 tấn vật tư. Lưu ý thêm rằng, Trung Quốc viện trợ 1.700 tấn gạo; 3.600 viên đạn pháo 105mm ta được chi viện (cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953) chiếm 18% tổng số đạn pháo được sử dụng. Sau đó, Trung Quốc còn chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn pháo 105mm, dù đạn pháo 105mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên… Đại tá, PGS.TS Hồ Khang, Nguyên phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/co-van-trung-quoc-phoi-hop-ho-tro-trong-chien-dich-dien-bien-phu-199509.html