(BGĐT) – Tôi nói với vợ, đêm qua, anh mơ thấy Hà về, mũ tai bèo, quân phục Tô Châu, chiếc ba lô cóc lép kẹp, tất cả đều nhuốm bụi đỏ. Hà trân trối nhìn anh rồi bối rối rút ra từ chiếc túi cóc một con búp bê cỏ.
Cỏ từ quy đó, lời Hà thoảng qua như gió sớm.
Anh nói với Hà, cỏ từ quy hả, lạ quá bạn ơi! Từ trước đến nay, mình chưa bao giờ được nghe tên một loại cỏ như thế. Cả trong những giấc mơ kỳ lạ nhất cũng chưa hề có cỏ từ quy. Chỉ có chim từ quy đêm đêm khắc khoải gọi nhau trong những cánh rừng già thăm thẳm. Ai đã một lần nghe từ quy gọi tìm nhau thì không thể nào quên nổi, nó thổn thức và nôn nao lắm, nhất là vào những đêm trăng sáng.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Hà này, mình đã từng hành quân qua Trường Sơn, đã nghe chim từ quy, còn gọi là trống mái gọi nhau qua hai đầu núi. Tiếng chim vọng vang giữa lòng rừng sâu nghe da diết vô cùng. Khi đêm tàn, trời hưng hửng ngày thì tiếng chim cũng ngưng lại; lúc đó đôi trống mái đã tìm được nhau, đã đến bên nhau. Những điều ấy chắc bạn biết quá rõ rồi.
Hà ngước đôi mắt buồn buồn và nói với anh thế này em ạ, có đấy, mình không bịa đâu, cỏ từ quy chỉ mọc vào đêm trăng tròn, đêm nào trăng vằng vặc sáng thì cỏ mọc càng nhanh. Sợi cỏ óng vàng như ánh trăng chuốt mảnh, sợi cỏ lung linh bởi hồn núi đẫm vào trong đó cậu ạ.
Em biết không, anh có cảm giác lúc đó tiếng Hà chợt thảng thốt hơn, giọng bạn ấy như vọng tới từ một nơi xa xăm rộng lớn lắm, mình đã lấy cỏ từ quy kết thành con búp bê này. Kể từ đêm ấy đến giờ… búp bê đã… không còn trẻ nữa, búp bê đã trở thành thiếu phụ…
Anh bàng hoàng, run rẩy nói với Hà, có đúng thế không?
Giọng Hà thoang thoảng như cơn gió lạc, bâng khuâng, không phải thế, cỏ từ quy chẳng bao giờ già cả, như chẳng có gì chia cách được tình yêu, dù người làm ra búp bê này không còn là người của trần gian nữa. Hoàng ạ, dù thế nào, dù ở đâu thì cỏ từ quy vẫn thơ ấu vậy thôi. Kỷ niệm mà, kỷ niệm làm sao già được cơ chứ. Đúng vậy không bạn! Thôi, trời gần sáng rồi, chắc đôi chim từ quy cũng sắp được gần nhau, mình phải trở lại Trường Sơn đây… Mình gửi con búp bê này cho Nguyệt. Hoàng thay mình đưa tặng Nguyệt nhé…
Chỉ có chim từ quy đêm đêm khắc khoải gọi nhau trong những cánh rừng già thăm thẳm. Ai đã một lần nghe từ quy gọi tìm nhau thì không thể nào quên nổi, nó thổn thức và nôn nao lắm, nhất là vào những đêm trăng sáng. Hà này, mình đã từng hành quân qua Trường Sơn, đã nghe chim từ quy, còn gọi là trống mái gọi nhau qua hai đầu núi. Tiếng chim vọng vang giữa lòng rừng sâu nghe da diết vô cùng. Khi đêm tàn, trời hưng hửng ngày thì tiếng chim cũng ngưng lại; lúc đó đôi trống mái đã tìm được nhau, đã đến bên nhau… |
Nguyệt, chính là vợ tôi, người đang nằm cạnh tôi đây. Thời đi học ba chúng tôi cùng lớp. Nguyệt-Hoàng-Hà, ba học sinh xuất sắc nhất của trường cấp 3 huyện. Chúng tôi là nhóm bạn “quả ổi chia ba” đẹp nhất trường như cách nói của mọi người. Nguyệt xinh, mặt trái xoan, da trắng hồng, má lúm đồng tiền. Nhờ có trí nhớ tuyệt vời, Nguyệt đọc xong truyện ngắn nào đều vanh vách kể lại cho bọn tôi nghe. Tôi còn nhớ, hồi đó Nguyệt say sưa kể truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Nguyệt kể mà cứ như đang đọc truyện vậy, cực kỳ hấp dẫn, tôi với Hà cứ há hốc mồm ra nghe như nuốt từng lời của cô bạn gái. Tôi và Hà, hai đứa như lặng đi khi Nguyệt diễn tả lại tiếng chim từ quy gọi nhau giữa đêm trăng Trường Sơn huyền ảo. Hà học giỏi các môn tự nhiên, nhất là môn toán và là trung phong xuất sắc của đội bóng nhà trường. Tôi học giỏi các môn xã hội, từ năm lớp 8 đã có thơ in ở báo tỉnh.
Mùa hè năm ấy, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyệt thi và trúng tuyển vào Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, tôi và Hà tròn mười tám tuổi đều được gọi vào bộ đội. Hà trở thành lính Trường Sơn xẻ núi, mở đường, lát ngầm, phá bom nổ chậm. Tôi, sau mấy tháng huấn luyện hà khắc, cực nhọc trở thành lính đặc công hành quân vượt Trường Sơn vào đánh giặc ở vùng ven Sài Gòn.
Trước đó, trên đường hành quân vào Nam, sau một trận bom B52 ở Cổng Trời Cha Lo, miền tây Quảng Bình, tình cờ tôi được gặp Hà. Bạn tôi gầy đen hốc hác nhưng rắn rỏi, chững chạc hơn thời học trò rất nhiều. Hai đứa ôm nhau đến nghẹt thở rồi vỗ đồm độp vào vai, vào lưng nhau.
Chia tay, Hà nói:
-Này Hoàng, hết chiến tranh thằng nào còn sống trở về thì hãy cưới Nguyệt làm vợ.
Tôi cười:
-Nếu như cả hai thằng cùng về thì sao?
Hà vừa nheo mắt vừa véo tai tôi:
-Thì tớ sẽ nhường cậu,
Tôi hỏi:
-Tại sao phải thế?
Hà bật cười rung rinh:
-Vì cậu hiền lành và tinh tế hơn tớ. Cậu làm chồng Nguyệt sẽ tốt hơn, tớ cảm thấy vậy…
Nói tới đây chẳng hiểu sao giọng Hà lại có vẻ bùi ngùi.
Tôi ôm Hà rất chặt:
-Thôi nào, đừng nói vớ vẩn nữa. Tớ là lính đặc công, vào trong ấy ác liệt hơn chắc sẽ không giữ được “cái gáo” mang về đâu, cậu ở ngoài này cố sống mà về với Nguyệt. Nhớ đối xử với cô ấy thật tử tế đấy, đừng có léng phéng kẻo chết với tớ!.
Trời ơi, cái câu đùa ấy sẽ là nỗi ám ảnh suốt đời tôi, mãi mãi không phai mờ được vì chỉ sau đó mấy tháng tôi nhận được tin Hà đã hy sinh ở Cổng trời Cha Lo khi phá bom nổ chậm. Câu chuyện về Hà đã được kể trên Đài Tiếng nói Việt Nam tình cờ tôi nghe được từ chiếc đài bán dẫn be bé của đại đội trưởng.
Người trở về sau chiến tranh là tôi. Dù không còn nguyên vẹn thân thể; cánh tay trái tôi đã bỏ lại đất phương Nam nhưng tôi may mắn còn được sống sót sau cuộc chiến quá tàn khốc. Tôi lại được đến giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau đó trở thành chồng của Nguyệt. Chúng tôi sống bình dị êm ấm trong căn nhà xây lợp ngói xinh xắn nằm bên cạnh dòng sông quê khi hoàng hôn về có màu tím biếc.Tôi cũng chẳng hiểu vì đâu khi mặt trời sắp lặn con sông quê tôi lại có màu nước lạ như vậy.
Nguyệt dạy văn ở một trường trung học phổ thông trong huyện, tôi làm báo tỉnh. Chúng tôi đã có 2 con, một gái một trai. Cháu gái đầu mang tên Linh Hà, cháu trai út là Sơn Hà. Cả hai con của vợ chồng tôi đều mang tên Hà, tên người bạn thân thiết nhất của mình. Cái tên Hà, đầy đủ là Nguyễn Quảng Hà đã khắc trên một tấm bia đá màu xám ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm tại thượng nguồn sông Bến Hải (Quảng Trị). Tài sản vô giá của gia đình tôi là bức ảnh chụp chung ba đứa thời học cấp 3. Nguyệt-Hà và tôi. Ba đứa đang ở độ tuổi mười bảy, má tròn căng, mắt nhìn về phía trước, trong trẻo. Hà đứng giữa, hai bàn tay đặt lên vai Nguyệt và tôi cùng với cái miệng cười mở rộng hết cỡ.
Im lặng. Hai chúng tôi im lặng sau câu chuyện về giấc mơ gặp Hà của tôi. Cả không gian lắng xuống, hình như đang trôi về một miền ngút ngát miên man nào đó. Tôi nghe rõ nhịp tim thổn thức của vợ mình. Nguyệt, Hà… tiếng gọi tuổi thơ ngân vọng trong tôi, rõ mồn một.
-Có không loài cỏ từ quy ấy em nhỉ?
Tôi rưng rưng hỏi Nguyệt. Nguyệt âu yếm nhìn tôi, hình như trong đó có ánh mắt trong sáng, ấm áp của Hà :
-Có chứ, có chứ anh, cỏ từ quy chính là ký ức và khát vọng vĩnh hằng của cuộc sống được chuyển về từ thế giới bên kia mà. Hà của chúng ta chính là sứ giả linh diệu của những linh hồn bất tử.
Còn búp bê cỏ? Tôi chợt nhớ lại lời Hà nói trong buổi tiễn Nguyệt lên đường ra Hà Nội học đại học, khi nào Nguyệt lên xe hoa tớ sẽ tặng bạn một con búp bê bện từ cỏ Trường Sơn, Hoàng làm chứng cho mình nhé.
Khi nào Nguyệt lên xe hoa tớ sẽ tặng bạn một con búp bê bện từ cỏ Trường Sơn. Lẽ nào, câu nói ấy lại linh nghiệm lạ kỳ đến thế, Hà ơi !
Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Quý
Vọng về, trong giấc mơ
(BGĐT) – Nửa đêm về sáng, trời chuyển mình bức bối, chị thức giấc vì cảm thấy ngực căng tức, rạo rực đến khó thở. Sợ con giật mình, chị rón rén bước ra mở cửa sổ. Đêm cao nguyên vật vã. Bầu trời loang lổ mây, khoảng đen khoảng sáng. Thoảng như có hơi nước? Mưa, mưa đi! Trong đời mình, chưa bao giờ chị khát mưa như lúc này.
Ông Vỡ
(BGĐT)- Có tiếng dép lê soàn soạt trước cổng và tiếp đó là tiếng chuông điện. Con chó to như con bê bị giam trong lồng sắt sủa váng trời đất, gầm gừ như muốn nhảy chồm ra. Ông Vỡ thừa biết là ai tới nhưng vẫn nhòm qua khe cửa sổ. Lão này khỏe đến thế. Rõ là rách việc.