Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch Cô Tô khi mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với mục tiêu phấn đấu thu hút khách du lịch đến Cô Tô năm 2023 đạt 250.000 lượt khách (tăng 16% so với năm 2022), tổng thu du lịch, dịch vụ đạt khoảng 700 tỷ đồng, năm 2023, UBND huyện Cô Tô đề ra kế hoạch chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, bảo đảm 100% thông tin về tuyến đường, tuyến phố và các điểm tham quan, bãi tắm du lịch, di tích trên địa bàn huyện được số hóa và gắn mã QR, 100% thông tin du lịch Cô Tô đều được số hóa và tạo mã QR.

 

Du khách quét mã thuyết minh tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô.

Năm 2023, du lịch Cô Tô có sự thay đổi đáng kể trong tiếp cận công nghệ số. Ngay từ đầu năm, Cô Tô đã triển khai và ứng dụng thành công việc gắn mã QR tại các điểm di tích, các tuyến đường, tuyến phố phục vụ hoạt động tham quan, du lịch của huyện. Du khách có thể dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin về các điểm di tích, lộ trình các tuyến đường, địa điểm hiển thị cùng chiều dài toàn tuyến, lộ giới đường và tiểu sử về nhân vật, ngày tháng, ý nghĩa, lý do đặt tên đường, tên phố… Chẳng hạn, ở Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, chỉ bằng một cái chạm tay thông qua thiết bị công nghệ thông minh tại đây, du khách có thể biết được cuộc đời, sự nghiệp của Bác, lịch sử di tích, những lần Bác về thăm Cô Tô bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

 Không chỉ tại các điểm đến, các cơ sở lưu trú, khách sạn cũng lựa chọn chuyển đổi số như một xu thế tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khách sạn Cô Tô Green là một trong những cơ sở đầu tiên thực hiện ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ. Từ năm 2012, cơ sở này đã triển khai các ứng dụng đặt phòng, quảng bá nhiều sản phẩm du lịch trên các nền tảng ứng dụng số, qua đó thu hút lượng khách đến ổn định. Anh Trần Đức Mạnh, chủ khách sạn Cô Tô Green cho biết: “Việc tạo ra những trải nghiệm mới mẻ và sản phẩm du lịch đặc sắc thông qua các giải pháp chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động vận hành tại những cơ sở lưu trú là vô cùng quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch. Đối với Cô Tô, việc chuyển đổi số cũng cần linh hoạt hơn về hình thức, cách thức ứng dụng trong hoạt động du lịch để tạo thuận lợi cho du khách khi cần tra cứu các thông tin về du lịch Cô Tô qua mã QR”.

Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô cho biết: “Trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch bền vững, huyện Cô Tô triển khai thanh toán điện tử, quảng bá, xúc tiến du lịch trực tuyến, vận hành hệ thống du lịch thông minh, xây dựng nền tảng hạ tầng về viễn thông điện tử và các trang thiết bị đồng bộ đi kèm… Bên cạnh đó, chúng tôi tuyên truyền để chủ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch thay đổi nhận thức về tầm quan trọng, tính cấp thiết của chuyển đổi số để chủ động trong việc ứng dụng vào các hoạt động kinh doanh, làm gia tăng hiệu quả kinh doanh. Những hoạt động này góp phần hiện thực hóa Đề án “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bài và ảnh: HOÀNG PHƯƠNG