TPO – “Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý” – đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân cho hay.
TPO – “Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý” – đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân cho hay.
Tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm
Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (QHĐT&NT).
Tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài quy hoạch tỉnh cần có quy hoạch chung. Ông cũng lưu ý, các quy định trong luật lần này phải làm sao để không trùng nhau.
Theo ông Cường, nguyên nhân trùng nhau do trước đây chưa có quy hoạch tỉnh, mà chỉ có quy hoạch chung với chức năng để định hướng phát triển cho tất cả các ngành, lĩnh vực. Sau đó, còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, lĩnh vực.
“Do vậy, quy hoạch chung hiện nay phải thực hiện chức năng cụ thể hoá, định hướng của quy hoạch tỉnh và thay thế cho các quy hoạch ngành, lĩnh vực mà hiện giờ không có”, ông Cường cho hay.
Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch theo hướng thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới thực hiện quy hoạch về đô thị.
“Quy định như thế sẽ tránh được tình trạng hiện nay cứ đi xin đất làm đô thị trước, sau đó đất dành cho hạ tầng lại không có” – ông Cường nhấn mạnh
Cũng tại phiên họp, ĐB Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
“Do đó, cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện” – ĐB Hạnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) lưu ý, dự thảo luật này cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với QHĐT&NT trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch.
ĐB đoàn Hải Phòng cho rằng, quy định như dự thảo luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng, khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện, hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất.
“Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý” – ĐB Tân cho hay và đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch.
Thống nhất với các quy định pháp luật
Giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đây là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng và nhiều quy định của các luật khác, cũng như nhiều loại quy hoạch khác.
Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng các quy định, đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, dự thảo luật đã quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch cấp quốc gia, vùng cũng được quy định cụ thể.
“Nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch về phân khu, quy hoạch chi tiết, có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa… Các nội dung này đã được giải trình, tiếp thu, giải trình rõ trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, phạm vi lập quy hoạch đô thị và nông thôn được xác định dựa trên phạm vi lãnh thổ, đảm bảo sự đan xen, gắn kết hiệu quả giữa không gian đô thị và nông thôn.
Theo ông, các khái niệm như “nội thành”, “ngoại thành”, “ngoại thị” không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
Nguồn: https://tienphong.vn/co-tinh-trang-mau-thuan-chong-cheo-giua-cac-quy-hoach-post1685463.tpo