Các khoản đầu tư tỷ USD trong các ngành định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu đang dần thay thế dầu mỏ tạo dựng “quyền lực mới” cho các nền kinh tế Trung Đông.
Các quỹ đầu tư Trung Đông được gọi là “cỗ máy ATM” không bao giờ thiếu tiến đối với các dự án có tiềm năng. (Nguồn: Asianinvestor) |
“Chân trời vô tận: Đầu tư hôm nay, định hình tương lai” chính là chủ đề thu hút nhất tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia những ngày này. Diễn ra từ ngày 29-31/10, Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) lần thứ tám không chỉ là “thỏi nam châm” thu hút các dự án đang tìm cách huy động vốn mà còn đóng vai trò là trung tâm đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo, trên con đường đạt được tương lai thịnh vượng và bền vững.
Trung Đông không chỉ có dầu mỏ
Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Hội nghị FII thường niên tại Riyadh nổi lên như một sự kiện hàng đầu trong lĩnh vực tài chính thế giới, với các thỏa thuận được ký kết không thể tốt hơn – thống kê các hội nghị năm 2021, 2022 và 2023 đạt khoảng 109 tỷ USD.
Kết quả trên vượt quá sự mong đợi của một hội nghị tầm quốc gia, khi sự kiện ban đầu vốn nhằm triển khai Chiến lược cải tổ nền kinh tế Saudi Arabia do Thái tử kiêm Thủ tướng Mohammed bin Salman khởi xướng và thực hiện Sáng kiến tầm nhìn 2030 – thúc đẩy tăng trưởng phi dầu mỏ gồm tài chính, công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, mở rộng khu vực tư nhân và tạo việc làm…
FII hiện được gọi là “Davos trên sa mạc” – để so sánh tầm ảnh hưởng với Hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) – quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu, doanh nhân, chính trị gia, nhà hoạch định chính sách nhiều lĩnh vực khác nhau từ tài chính – kinh tế, đến những người ra quyết định về trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển bền vững, năng lượng, địa kinh tế và vũ trụ.
Giới phân tích bình luận, Hội nghị FII không chỉ mang lại cho “những ông hoàng Trung Đông” cơ hội xuất hiện trên sân khấu tài chính thế giới mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng, củng cố vị thế trên toàn cầu. Các cuộc đối thoại địa kinh tế đóng vai trò là “phần bổ sung quan trọng” cho đối thoại toàn cầu, trang bị cho các nhà lãnh đạo chiến lược tư duy tiến bộ để điều hướng bối cảnh toàn cầu trong thời gian tới.
Trước thềm sự kiện, CEO Richard Attias của Viện FII cho biết, 7.100 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đăng ký tham dự; các thỏa thuận dự kiến công bố có tổng trị giá 28 tỷ USD; FII 2024 hấp dẫn đến mức các lãnh đạo doanh nghiệp phải trả 15.000 USD/người để được góp mặt… Chỉ từng đó con số đã đủ “flex” cho độ “hot” của các nhà đầu tư Trung Đông hiện nay.
Đặc biệt, sự kiện càng hấp dẫn khi diễn ra trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, khi nền kinh tế thế giới suy thoái, căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng. Dòng FDI toàn cầu giảm 2% xuống còn 1.300 tỷ USD vào năm 2023, theo số liệu của Liên hiệp quốc.
“Cỗ máy ATM” của thế giới tài chính
Theo tính toán của Goldman Sachs, tổng tài sản của các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), dự kiến tăng từ 2.700 tỷ USD năm 2021 lên 3.500 tỷ USD vào năm 2026. Tài sản của khối này được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, cung cấp nguồn vốn dồi dào cho hoạt động đầu tư vào các ngành phát triển mới.
Trên thực tế, Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia (PIF) đạt giá trị 925 tỷ USD và đang trong giai đoạn đầu tư mạnh, nhằm hiện thực hóa sáng kiến Tầm nhìn 2030. Các nhà đầu tư Trung Đông sở hữu năng lực tài chính vượt trội khác như, Quỹ đầu tư Mubadala của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) (302 tỷ USD), Cơ quan đầu tư Qatar (475 tỷ USD) hay Quỹ đầu tư Kuwait (800 tỷ USD)… đều không đứng ngoài cuộc chơi mới.
Nắm trong tay khối tài sản khổng lồ nhờ cơn bùng nổ giá dầu, đúng vào thời điểm các nhà tài trợ truyền thống của phương Tây gặp khó khăn, buộc phải rút khỏi các giao dịch, hay thắt chặt các khoản đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư Trung Đông đại diện cho chính phủ đang nổi lên như những nhà tài trợ quan trọng trong việc định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, đặc biệt quan tâm tới các ngành thuộc xu thế mới, như các dự án về trí tuệ nhân tạo mới nổi.
Bằng chứng là các khoản đầu tư vào AI và những start-up sáng giá nhất từ Trung Đông đã tăng gấp năm lần trong năm qua, theo dữ liệu từ Pitchbook.
CNBC nhận định, rất ít quỹ đầu tư mạo hiểm có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các đợt rót vốn trị giá hàng tỷ USD của Microsoft hay Amazon. Tuy nhiên, với các quỹ đầu tư quốc gia Trung Đông thì khác, họ không gặp vấn đề gì khi “xuống tiền” cho các khoản đầu tư tỷ USD nhưng “rất có tương lai”.
Thậm chí, giới truyền thông còn ví von, các quỹ đầu tư Trung Đông đang trở thành “cỗ máy ATM” cung cấp tiền cho thị trường vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm và các quỹ đang gặp khó khăn trong việc huy động tiền ở nơi khác. Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) cũng sôi động hơn khi nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ Trung Đông, với đa dạng ngành nghề từ ngân hàng đầu tư, bán lẻ, bệnh viện, thực phẩm… đến cả các dự án thể thao.
Tuy nhiên, việc đầu tư của khu vực Trung Đông vào AI hay các ngành mới nổi không chỉ là một hoạt động tài chính đơn thuần, mà là một phần trong chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế và gây dựng một tương lai bền vững.
Không chỉ có Saudi Arabia, các “ông lớn” dầu mỏ ở Trung Đông khác, như Kuwait, UAE hay Qatar đều có chung mục tiêu là tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và một trong những bước đi của họ là chuyển dịch mạnh mẽ từ kinh tế dầu mỏ truyền thống sang công nghệ, không chỉ như một biện pháp phòng ngừa, mà là một con đường phát triển mới.
Có thể nói, hai năm qua, nếu AI “gây bão” trên toàn thế giới, sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT, thì các quỹ Trung Đông cũng đã gây “sóng thần” trong các màn gọi vốn của các “ông lớn” công nghệ.
“Bây giờ, mọi người đều muốn đến Trung Đông, giống như cơn sốt đào vàng ở Mỹ trước đây”, Peter Jädersten, người sáng lập Công ty tư vấn huy động vốn Jade Advisors nhận định.
Nguồn: https://baoquocte.vn/co-tich-ve-cac-quy-dau-tu-trung-dong-292029.html