Thực tế ở các môn thể thao khác
Khác với môn bóng đá, nơi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) có ảnh hưởng gần như bao trùm, hầu như không có các tổ chức khác cùng cấp có ảnh hưởng tương đương.
Ở một số môn thể thao khác, việc có một vài tổ chức ngang quyền và đối lập nhau trong việc điều phối các giải đấu và điều phối các VĐV, là sự việc không hiếm.
Ví dụ như trong môn golf, có 3 hệ thống các giải đấu lớn, có ảnh hưởng gần như ngang nhau, gồm PGA Tour (do người Mỹ điều hành), DP World Tour (trước mang tên European Tour) và LIV Golf (được sáng lập và điều hành bởi các tỷ phú Saudi Arabia).
Trong số này, nếu như DP World Tour gần như giữ thái độ trung dung, thì 2 hệ thống PGA Tour và LIV Golf đối đầu nhau ra mặt. PGA Tour quy định, các golfer đã chuyển sang thi đấu trên hệ thống LIV Golf thì không được thi đấu ở các giải thuộc hệ thống PGA Tour, và ngược lại.
Điều này khiến cho nhiều golfer buộc phải đánh đổi, khi lựa chọn hệ thống để thi đấu. Ví dụ như cựu số một thế giới Brooks Koepka (Mỹ), hay người đang giữ kỷ lục là tay golf lớn tuổi nhất từng vô địch một giải major (tương đương với tính chất các giải Grand Slam trong môn quần vợt) Phil Mickelson (Mỹ), không thể tham dự PGA Tour, sau khi đã chuyển sang LIV Golf.
Tương tự như thế là trường hợp của golfer có cú phát bóng mạnh nhất thế giới hiện nay Bryson DeChambeau (Mỹ). Anh chuyển sang thi đấu trên hệ thống LIV Golf, không còn cơ hội đấu các giải trên PGA Tour. Đồng thời, PGA Tour cũng gây sức ép khiến các golfer đã chuyển sang LIV Golf, không còn được cộng điểm xếp hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Những nhà điều hành các hệ thống giải này không giải thích dài dòng, họ chỉ tuyên bố đã thi đấu trên hệ thống khác, xem như đương nhiên sẽ không được thi đấu song song trên hệ thống của họ. Hiểu đơn giản là các vận động viên (VĐV) không được phép đầu quân cho 2 nơi cùng lúc. Các golfer cứ thế mà lựa chọn hệ thống thích hợp với mình.
Giải pháp giải quyết xung đột
Quay trở lại với câu chuyện 87 cơ thủ Việt Nam vừa bị Liên đoàn billiards pool thế giới (WPA) cấm thi đấu 6 tháng (từ tháng 10/2024 – 4/2025), do dự giải Hà Nội Open (kết thúc cách đây vài ngày).
Giải đấu này nằm trong hệ thống của WNT (hệ thống các giải billiards pool chuyên nghiệp trên khắp thế giới), trong khi đây là hệ thống từng xung đột với WPA. Chính vì thế, WPA một khi không thể ngăn cản các cơ thủ xuất hiện ở các giải đấu của WNT, họ thực hiện luôn lệnh cấm dành cho các cơ thủ nói trên, ở các giải đấu do WPA điều hành.
Trong số các giải đấu do WPA và các tổ chức thành viên của họ điều hành, có các giải thuộc những đại hội thể thao quen thuộc với người Việt Nam, gồm SEA Games và Asiad. Thế nên, thiệt thòi dành cho các VĐV Việt Nam trong cuộc xung đột quyền lợi giữa hai hệ thống quản lý các giải đấu lớn này càng lớn.
Cũng liên quan đến vụ việc này, bên tổ chức giải gồm Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội, không sai, bởi họ tổ chức giải đúng luật. Phía WPA cũng có lý với lệnh cấm của mình, bởi lệnh cấm chỉ diễn ra trong nội bộ các giải đấu do WPA điều hành.
Chỉ có các VĐV phải chịu thiệt vì buộc phải chọn hệ thống mà họ muốn thi đấu, đã chọn hệ thống này thì không được tham dự các giải thuộc hệ thống kia và ngược lại.
Giải pháp tốt nhất chỉ đến một khi các tổ chức lớn trong môn billiards gồm WPA và WNT tìm được tiếng nói chung, giải quyết các xung đột giữa hai tổ chức này. Khi đó, các VĐV mới được thi đấu nhiều giải hơn, không cần phải đau đầu để lựa chọn nữa!
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/co-thu-viet-nam-bi-cam-thi-dau-va-su-phuc-tap-cua-he-thong-the-gioi-20241018150911648.htm