Từ 1/8, môi giới bất động sản buộc phải có chứng chỉ
Từ 1/8, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực sớm. Một trong những điểm đáng chú ý trong luật này, đó là các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Theo ý kiến của giới chuyên gia, việc Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đưa ra yêu cầu các cá nhân môi giới phải có chứng chỉ hành nghề là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng của ngành môi giới và giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng: Quy định này góp phần minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa hơn nữa các hoạt động môi giới, giao dịch bất động sản.
Đồng thời, phòng ngừa, hạn chế các bất ổn thị trường do các hoạt động môi giới, kinh doanh dịch vụ bất động sản thiếu sự kiểm soát hiệu quả.
Trong khi đó, ông Trần Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản với quy mô lớn, nhân sự hàng trăm, hàng ngàn người.
Theo ông Hoàng, các doanh nghiệp môi giới bất động sản là động lực quan trọng của thị trường, tham gia đồng hành xây dựng, tư vấn phát triển sản phẩm, tạo lập thị trường và phân phối đến người có nhu cầu đa dạng.
Tuy nhiên, do tình trạng thiếu nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ thấp, lượng giao dịch hạn chế, các biện pháp siết chặt tín dụng được áp dụng đối với thị trường bất động sản năm 2023 đã tạo ra những khó khăn chưa từng thấy cho doanh nghiệp và nghề môi giới bất động sản.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng cho biết, tình trạng khó khăn trên thị trường bất động sản thời gian qua cùng với việc đóng cửa, tạm dừng hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, sự rời đi của một bộ phận không nhỏ môi giới bất động sản sẽ là cuộc thanh lọc lớn, giúp thị trường chỉ còn lại những doanh nghiệp, môi giới có hoạt động chuyên nghiệp với đầy đủ phẩm chất, năng lực.
Ngoài ra, dưới tác động của kỷ nguyên số, sự chuyển biến nhanh trong lĩnh vực công nghệ, ứng dụng AI đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam, giúp đội ngũ môi giới dễ dàng kết nối với khách hàng tiềm năng.
Trong đó, giao dịch an toàn, giảm bớt thủ tục giấy tờ là tiền đề vững chắc để hình thành một ngành bất động sản phát triển ổn định, minh bạch.
Song, theo ông Hoàng, việc này đã và đang đặt ra thách thức lớn về yêu cầu trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng các công nghệ trong hoạt động tiếp thị, truyền thông của môi giới bất động sản.
“Nếu môi giới không cập nhật, ứng dụng công nghệ, kiến thức mới sẽ rất khó để tồn tại, bởi môi giới bất động sản là một nghề đầy thách thức và cạnh tranh”, ông Hoàng nói.
Có thể xuất hiện việc “mua bằng”?
Thực tế cho thấy, số lượng môi giới chưa có chứng chỉ, môi giới “chui” rất lớn lên tới hàng vạn cá nhân. Do đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho số lượng cá nhân môi giới chưa có chứng chỉ đang trở nên nan giải.
Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cả nước có khoảng 300.000 môi giới, tuy nhiên chỉ có khoảng 40.000 người được cấp chứng chỉ. Số lượng còn lại là các môi giới dù được đào tạo bài bản nhưng không được cấp chứng chỉ hành nghề.
Trái ngược với ý kiến của nhiều người, trao đổi riêng với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty EZ cho rằng: Luật Kinh doanh bất động sản trước đó đã quy định rõ người quản lý, người thành lập sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ mới được phép thành lập sàn.
Trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023 yêu cầu không chỉ người quản lý sàn, mà ngay cả các cá nhân môi giới cũng phải có chứng chỉ, ông Toản cho rằng quy định này mang tính hình thức, khiên cưỡng tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp môi giới.
“Trong vài năm gần đây, nguồn cung bất động sản gần như chạm “đáy”, “rổ hàng” không có nên rất nhiều môi giới đã nghỉ việc và chuyển hẳn sang một ngành nghề khác để mưu sinh. Bản thân các doanh nghiệp môi giới cũng rất khó khăn. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, bất kỳ quy định mới nào đều tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp”, ông Toản nói.
Ông Toản nhấn mạnh: Việc Luật mới đưa ra quy định này có thể hiểu là một giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động môi giới bất động, nhưng liệu cơ quan đưa ra quy định này có dám chắc sau 1/8, khi các môi giới phải “cắm đầu cắm cổ” thi chứng chỉ hành nghề, thì ngành môi giới bất động sản sẽ được nâng cao.
Ông Toản cho rằng, nghề môi giới bất động sản không đòi hỏi quá nhiều học thuật lý thuyết, mà dựa vào kinh nghiệm là chính. Điều này giống như một người dù học giỏi đến đâu, tốt nghiệp Đại học bằng giỏi chẳng hạn nhưng không có kinh nghiệm sẽ không làm được việc.
“Ngược lại, có những người làm môi giới lâu năm, hay còn gọi là “cò già” với kinh nghiệm đã có họ vẫn bán bất động sản bình thường, thậm chí trội hơn những người có bằng cấp đàng hoàng. Vì vậy, theo tôi quy định này đưa ra có phần thừa thãi”, ông Toản nói thêm.
Dù vậy, ông Phạm Đức Toản cho rằng, khi Luật đã được áp dụng buộc các sản phải tuân thủ, song với số lượng đơn vị được phép cấp chứng chỉ đếm trên cầu ngón tay như hiện nay, thì việc học và thi là vấn đề rất lớn.
Ngoài ra, ông Toản lo ngại việc đưa ra quy định này sẽ tạo ra cơ chế “mua bằng, mua chứng chỉ”.
“Hiện nay chưa rõ các quy định kiểm tra, giám sát việc học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Tôi lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng chỉ cần nộp tiền là có bằng, là có chứng chỉ”, ông Toản nói thêm.
Nguồn: https://www.congluan.vn/sau-1-8-moi-gioi-bat-dong-san-buoc-phai-co-chung-chi-co-the-xuat-hien-viec-mua-bang-post302818.html