Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, 3 loại tiền lương quan trọng gồm lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu sẽ tăng từ ngày 1/7/2024.
Với việc mở rộng quan hệ tiền lương này thì mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao (so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay). Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 – 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Nhằm gấp rút các quy định, văn bản để thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã yêu cầu phải hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trước ngày 31/3/2024 gắn với cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp sau đó, sau khi hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, bắt đầu từ tháng 4/2024 trở đi sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm và điều chỉnh kịp thời vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên hiện nay còn một số bộ, địa phương chưa xây dựng vị trí việc làm để làm cơ sở cải cách tiền lương. Do đó vấn đề đẩy nhanh tiến độ đang được Bộ Nội vụ “đốc thúc” phải xong trong tháng 5. Đồng thời tổ chức các hội nghị góp ý kiến vào các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới bảo đảm đủ cơ sở pháp lý thực hiện từ ngày 1/7.
Để chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương từ 1/7, cũng như xây dựng vị trí việc làm, ông Vũ Đăng Minh – Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, khi thực hiện việc này, nếu lương mới thấp hơn lương cũ thì cho phép bảo lưu lương theo tinh thần Nghị quyết 27 là lương mới bảo đảm không thấp hơn mức lương cũ.
Theo ông Minh, để bảo đảm đối tượng cán bộ, công chức này có đời sống đáp ứng được ở một mức tiền lương cố định nào đó hiện nay chúng tôi đang xin một mức lương khoảng trên 5 triệu đồng. Tức là lương tối thiểu vùng áp dụng với các đối tượng này. Khi chúng ta cải cách tiền lương thì đảm bảo những người có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu đồng/tháng.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ thông tin, tới đây sẽ trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức khối cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đồng thời ban hành 12 thông tư hướng dẫn cụ thể về các hệ thống thang bảng lương, cách chi trả, cách tính toán tiền lương áp dụng đối với tiền lương mới.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững. Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 – 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 mới đây, Bộ Nội vụ đã thông tin về tiến độ xây dựng các văn bản để triển khai cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 cũng như việc đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.
Bộ Nội vụ cho biết, hiện có 4 vấn đề lớn cần xin ý kiến Bộ chính trị liên quan tới cải cách tiền lương. Một là, thống nhất 5 thang bảng lương và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý cùng các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang. Thứ hai là việc thực hiện bảo lưu tiền lương cũng như thu nhập đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thứ ba là thực hiện chế độ trợ cấp đối với các cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương thấp nhất của vùng một áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp. Vấn đề thứ tư cần xin ý kiến là việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể đối với cán bộ công chức, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để áp dụng mức khoán đối với cán bộ chuyên trách chính quyền cơ sở. Và nội dung quan ttrọng nữa là phải bảo đảm được nguồn để cải cách tiền lương.
Ông Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, thực hiện chính sách tiền lương mới là một bước đạt được sự công bằng, tạo động lực cho người hưởng lương để nâng cao hiệu quả chất lượng công việc. Để đạt được mục tiêu “đủ sống” là một quá trình chứ không phải một lần cải cách có thể đạt được ngay. Lần này tổng quỹ lương tăng lên mấy chục %, khó có thể nói đây là sự “đột biến”, nhưng là bước cải thiện để tạo ra cơ chế trả lương theo vị trí việc làm. Tức là trả lương theo hiệu quả công việc, tạo động lực thúc đẩy người lao động nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu quả chất lượng công việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
M.Vy (t/h)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cai-cach-tien-luong-co-the-song-bang-luong-bu-truot-gia-a662992.html