Người sử dụng có lợi hơn
Theo biểu giá hiện hành, giá bán điện được phân theo các ngành, cấp điện áp; giờ cao – thấp điểm và biểu giá điện sinh hoạt được chia theo bậc thang, chỉ tính giá điện năng. Chính sách này đã khiến tình trạng bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt diễn ra thời gian dài. Vì thế, việc xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng thị trường mua bán điện, minh bạch, rõ ràng từng khâu từ phát, truyền tải, phân phối, bán lẻ và đặc biệt xóa bỏ dần tình trạng bù chéo giá điện.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Trần Việt Hòa cho rằng chính sách giá 2 thành phần này giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (giảm chi phí tránh được) và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký; đảm bảo giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí (về mặt công suất) tới khách hàng sử dụng điện. Nếu khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng trong tháng (tính theo kWh) nhưng có hệ số phụ tải thấp, phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao…
TS Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia năng lượng, nhận xét áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ là bước đột phá về chính sách giá điện. Giá điện 2 thành phần bao gồm giá công suất và giá điện năng đã được nhiều nước áp dụng, gần đây nhất là Trung Quốc. Nếu áp dụng, nhà cung cấp điện có thể đưa ra một gói sản phẩm tương ứng biểu giá điện bán cho khách, như cách chúng ta mua gói cước điện thoại trong mỗi tháng, tùy thuộc nhu cầu sử dụng.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình
Chẳng hạn, với khách hàng sản xuất, đăng ký mua gói công suất là 1.000 kW, sử dụng 4.000 kWh trong 1 tháng sẽ có mức giá khác khách hàng đăng ký công suất 2.000 kW, nhưng cũng chỉ sử dụng 4.000 kWh.
Do lâu nay giá điện được tính bằng công suất sử dụng, nên nhiều nhà sản xuất đăng ký công suất rất cao, khiến ngành điện phải đầu tư lưới, trụ nhiều để đáp ứng nhưng thực tế sử dụng lại không cao như công suất đăng ký. Ví dụ, doanh nghiệp (DN) chế biến ngành thủy hải sản thường có nhu cầu sử dụng điện rất lớn vào mùa cao điểm, nên khi đăng ký, họ thường đăng ký công suất lớn. Dựa vào số liệu này, ngành điện phải đầu tư trạm biến áp có công suất tương đương công suất DN đăng ký. Thế nhưng, vào mùa thấp điểm, nhu cầu sử dụng điện sản xuất giảm mạnh, ngành điện vẫn phải trả tiền cho chi phí duy trì vận hành, chạy công suất nền… dù khách hàng không sử dụng. Nhà phát điện, chủ đầu tư điện dù không bán được điện vẫn phải trả tiền công suất điện…
“Chính vì vậy, việc đăng ký công suất quá cao, lượng điện dùng lại thấp, gây thiệt hại cho đầu tư hạ tầng điện. Giá công suất thấp hơn rất nhiều so với giá điện năng tiêu thụ, nhưng nhất thiết phải được tính toán rõ ràng nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch trong giá điện”, TS Nguyễn Huy Hoạch nêu quan điểm.
Giải quyết được tình trạng bù chéo trong giá điện?
Để cải cách thị trường điện, cuối năm qua, Trung Quốc đã xây dựng giá công suất điện than. Theo đó, từ đầu năm nay, điện than tại Trung Quốc được áp dụng chính sách giá điện 2 thành phần, bao gồm giá công suất và giá điện năng.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho biết hiện tại các nhà máy điện than bán điện lên lưới theo cơ chế một giá – tức là nếu không đưa lên lưới kWh nào thì nhà đầu tư sẽ không nhận được doanh thu. Chi phí vận hành điện than bao gồm các chi phí cố định (như khấu hao, chi phí nhân công, chi phí sửa chữa, chi phí tài chính) và các chi phí biến đổi (như chi phí mua than và vật tư). Thế nên, Trung Quốc đưa ra chính sách 2 giá đó nhằm bảo đảm tính công bằng cho nhà đầu tư nguồn.
“Quá trình chuyển dịch năng lượng trong tương lai, điện than đã phải nhường cho điện tái tạo phát, nhưng phải luôn trực sẵn để bù đắp cho sự không ổn định của điện tái tạo. Thế nên, để thị trường điện trưởng thành, cần thực hiện hệ thống giá điện 2 thành phần – tức là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy, còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi. Cần hiểu rõ là điện tái tạo đang phát triển mạnh nhưng bản chất là không ổn định. Nên cần có các tổ máy điện than bảo vệ dự phòng – tức là nhiệt điện cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay cả khi không phát điện, hoặc phát điện dưới công suất tối ưu. Điện than là nguồn năng lượng hỗ trợ và điều tiết quan trọng nhất của Trung Quốc, nên việc đưa giá công suất vào sẽ ổn định kỳ vọng của ngành điện than nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn hơn. VN không khác các nước trong chính sách phát triển năng lượng, xây dựng giá điện 2 thành phần là cần thiết”, chuyên gia Đào Nhật Đình phân tích.
Dù vậy, theo ông Đào Nhật Đình, chỉ nên áp dụng giá điện 2 thành phần với đối tượng sử dụng là DN, nhà xưởng tiêu thụ điện năng lớn. Khách hàng công nghiệp và thương mại ở Trung Quốc đã phải trả giá dịch vụ cố định hằng tháng dựa theo công suất trạm biến áp của họ. Ngoài ra, họ phải ký hợp đồng tiêu thụ điện và chịu phạt nếu sử dụng vượt, hay thấp hơn công suất đã ký. Thế nên, việc tính giá công suất mới vào giá điện sẽ không tạo ra thay đổi lớn. Còn lại, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, nông nghiệp vẫn được tính giá điện theo cách tính và giá hiện hành.
PGS-TS Ngô Trí Long phân tích vấn đề giá điện 2 thành phần được nêu ra từ hơn chục năm trước, bây giờ mới nghiên cứu là hơi chậm. Chính sách này cần sớm hình thành và phát triển ngay trong năm nay mới bảo đảm tính ổn định của thị trường năng lượng. Quan trọng hơn trong giá điện 2 thành phần là khắc phục được tình trạng bù chéo trong giá điện và một số hạn chế khác liên quan về giá điện hiện nay như mua cao bán thấp, thiếu công bằng trong cách tính theo thang bậc…
Bên cạnh đó, quy định giá điện 2 thành phần giúp giảm được chi phí đầu tư hệ thống điện rất nhiều. Đặc biệt, tại các khu vực hộ gia đình, DN sử dụng điện ổn định, phụ tải ở mọi thời điểm sẽ ổn định ở mức thấp, không bị tăng cao công suất vào giờ cao điểm..
Với người tiêu dùng, giá điện 2 thành phần giúp giảm giá mua điện bằng cách tăng thời gian sử dụng điện. Giá điện tính theo công suất chỉ khuyến khích việc tiết kiệm công suất mà không tính đến việc tiết kiệm điện năng. Trong khi đó, giá điện theo điện năng lại khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà không tính đến lượng công suất liên quan.
“Thế nên, giá điện 2 thành phần có ưu điểm là khắc phục được nhược điểm của mỗi loại giá nêu trên, góp phần làm hệ thống điện phát huy hiệu quả sử dụng, mang lại lợi ích cho cả khách hàng sử dụng điện và ngành điện”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Giá công suất điện than tại Trung Quốc được áp dụng từ ngày 1.1.2024 là từ 100 – 165 nhân dân tệ/kW/năm (tương đương 340.000 – 561.000 đồng/kW/năm), tùy vào quá trình chuyển đổi năng lượng tại các địa phương. Trong điều kiện vận hành bình thường, nếu nhà máy điện than không cung cấp sản lượng tối đa đã công bố 2 lần trong vòng 1 tháng sẽ bị khấu trừ 10% giá trị công suất phát điện của tháng. Vi phạm 3 lần sẽ bị khấu trừ 50% và 4 lần trở lên sẽ khấu trừ 100%.