Tổng Bí thư Tô Lâm từng nêu rõ rằng việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị rất nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong toàn bộ máy.
Thực tế cho thấy, ở “mỗi con người trong bộ máy” đều có độ vênh nhất định giữa nhận thức xã hội nói chung và sự đắn đo liên quan đến lợi ích cá nhân của riêng mình.
Hầu hết cán bộ, đảng viên đều nhận thức được sự cần thiết của Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Họ cũng đồng tình với những nội dung mà Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ ra là tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; hiệu lực hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức còn chồng chéo; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý; việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; cải cách hành chính chuyển biến chậm…
Tuy nhiên, tình hình chưa có những chuyển biến thực sự về chất sau 7 năm Đảng và Nhà nước ta tiếp tục tiến hành việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ngày 5/11/2024, trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư một lần nữa chỉ ra những bất cập cũ: Nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có sự níu kéo từ lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể nhỏ. Một số cá nhân, tổ chức có thể hăng hái ủng hộ chủ trương chung về việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi điều này “chưa đụng đến tôi”, “không va phải đơn vị của chúng tôi”. Mọi việc có thể thay đổi khi họ phải “vào cuộc”.
Cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo các cấp, cũng là con người nên việc họ “có tâm tư” khi lợi ích bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu. Không ai vui khi đơn vị của mình bị giải thể, sáp nhập, hợp nhất, bản thân không giữ được vị trí chủ chốt như trước, thậm chí phải chuyển sang làm chuyên viên hay ra khỏi biên chế…
Tuy nhiên, “tâm tư” là một chuyện, còn tổ chức “ký tâm thư tập thể”, “viết kiến nghị tập thể” gửi lên trên để “bàn lùi” khi phương án quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định, gây nhiễu cho sự nghiệp chung, lại là chuyện khác. Đưa câu chuyện nội bộ lên mạng xã hội lại càng không nên.
Khi một tổ chức, đơn vị được thành lập thì hiển nhiên tập thể đó có lý do tồn tại, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội trong bối cảnh, tình huống nhất định. Nhưng khi hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi, yêu cầu của xã hội có sự biến động thì lý do tồn tại hoặc tồn tại độc lập của đơn vị, tổ chức đó không còn nữa và việc sắp xếp lại để cả hệ thống trở nên gọn, nhẹ, “dễ bay cao” là điều tất yếu.
Bấu víu vào quá khứ, lập luận về “tính đặc thù riêng có”, đánh tráo khái niệm, hoặc viện dẫn về “hệ quả nặng nề” trong tương lai của việc giải thể, sáp nhập, hợp nhất bằng những lời đao to búa lớn chỉ làm rối chứ không cản được tiến trình lịch sử. Lợi ích cá nhân phải đặt dưới lợi ích tập thể, lợi ích tập thể nhỏ phải đặt dưới lợi ích của tập thể lớn, của xã hội, của đất nước.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào ngày 25/11/2024: Việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân.
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56728