Với ¾ diện tích tự nhiên là đồi núi độ dốc lớn, nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 120km, Tủa Chùa được ví như cô sơn nữ còn say ngủ giữa đất trời Điện Biên.
Nơi đây phong cảnh nguyên sơ, khí hậu trong lành và con người thuần phác. Trong số 19 dân tộc anh em sinh sống ở tỉnh, Tủa Chùa có 7 dân tộc với nhiều nét văn hoá giàu bản sắc.
Đây là vùng có có số lượng người Mông sinh sống nhiều nhất toàn tỉnh với 3 ngành Mông Xanh, Mông Đỏ và Mông Trắng.
Phía bắc giáp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, phía nam giáp huyện Tuần Giáo và phía tây giáp huyện Mường Chà của tỉnh Điện Biên, phía đông giáp huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La.
Tủa Chùa nổi bật như miền đất chứa đựng văn hóa truyền thống dân tộc với nhiều dấu ấn riêng. Thú “chơi chợ” ở Tủa Chùa là một dấu ấn như thế. Chợ phiên Xá Nhè cách thị trấn Tủa Chùa khoảng 15km họp đều đặn vào các ngày Dậu (ngày con gà) và ngày Mão (ngày con mèo) theo lịch can chi.
Đây là dịp đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái, Xạ Phang (Hoa) của các xã lân cận như Mường Đun, Tủa Thàng, Mường Báng tới để trao đổi sản vật, trang phục dân tộc, các sản phẩm thủ công truyền thống…
Còn chợ phiên Tả Sìn Thàng – phiên chợ lâu đời nhất của vùng, nằm cách thị trấn Tủa Chùa khoảng 37km – lại họp giữa thung lũng, bốn bề vách đá cheo leo quanh năm mây trắng và sương bao phủ. Chợ họp 6 ngày 1 phiên vào các ngày Ngọ (ngày con ngựa) và ngày Tý (ngày con chuột), thủa ban đầu những chàng trai, cô gái nơi đây xuống chợ chủ yếu là để tìm hiểu bạn tình và chọn bạn đời.
Vì thế nên đi chợ thấy ai cũng thong dong trong tiếng khèn điệu hát và nồng đượm hương vị rượu ngô Mông Pê. Ban ngày là thế, khi đêm xuống, chợ đêm tại thị trấn Tủa Chùa lại họp vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, là nơi để trao đổi hàng hoá và giao lưu văn hoá giữa người dân của huyện và các huyện lân cận, với đa dạng các các sản phẩm, sản vật độc đáo của địa phương như: mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, táo mèo, măng khô, hương dược liệu cùng các món ăn dân dã.
Hòa chung là không khí biểu diễn nghệ thuật “cây nhà lá vườn” rộn ràng, ấm cúng, thân thiện chào đón du khách khi đặt chân tới Tủa Chùa.
Không chỉ hấp dẫn về văn hóa, danh thắng Tủa Chùa còn đáng nhớ với hệ thống ruộng bậc thang trù phú và các hang động độc đáo. Với đặc thù canh tác, mùa lúa chín nơi đây rơi vào khoảng tháng 9 – 10 hàng năm.
Những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, đôi chỗ được tạo hình như những mê cung hay những mâm xôi kính dâng trời đất, xen kẽ với nếp nhà truyền thống trên nương và những lối nhỏ mềm mại quanh co.
Độ lúa ngả sắc vàng óng ả không chỉ góp phần làm nên đặc trưng mùa vàng Tây Bắc mà còn là nguồn sống đảm bảo sinh kế cho đồng bào các dân tộc.
So với những cái tên quen thuộc như Mù Căng Chải (Yên Bái), hay Hoàng Su Phì (Hà Giang) thì Tủa Chùa cũng tỏ ra không hề kém cạnh với Chiếu Tính, Háng Là, Háng Khúa và Đồi Rùa tươi đẹp, phì nhiêu giữa lòng thung lũng rộng lớn thuộc địa bàn các xã Sính Phình, Sín Chải, Tả Phìn và Trung Thu.
Bàn tay con người Tủa Chùa, Điện Biên đã dựng xây vẻ đẹp nương lúa là thế, còn tự nhiên lại ưu ái cho vùng đất này những hang động đẹp nằm xen kẽ trong các rừng cây nghiến hàng nghìn năm tuổi, đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia như hang động Khó Chua La, hang Xá Nhè xã Xá Nhè, hang Thẩm Khến xã Mường Đung, hang Pê Răng Ky xã Huổi Só, với hệ thống măng đá, nhũ đá đẹp kỳ vỹ, nhiều hình thù đa dạng lấp lánh ánh nhũ như bảo tàng nghệ thuật tự nhiên.
Tạp chí Heritage