Theo quy định hiện hành, các cơ sở lưu trú du lịch đang phải áp dụng biểu giá bán lẻ điện của nhóm khách hàng kinh doanh cao hơn biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất. Điều này tác động lên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch…
Để hỗ trợ các cơ sở du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung, trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đã đề xuất, xây dựng theo hướng các cơ sở du lịch được áp dụng biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sản xuất. Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương xác định đối tượng cơ sở lưu trú du lịch áp dụng giá bán điện mới…
Bộ Công thương cho rằng: “Việc điều chỉnh giá bán điện cho đối tượng là cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá bán điện cho nhóm khách hàng sản xuất nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Giá điện cho các hộ kinh doanh khác trước mắt sẽ giữ nguyên như quy định hiện hành”.
Theo báo cáo và tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện cho sản xuất đang không phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh điện (thấp hơn so với chi phí phân bổ). Vì thế, Bộ Công thương cho rằng có thể áp dụng ngay phương án 2 (phần chênh lệch doanh thu bán điện thiếu hụt được phân bổ cho tất cả cho các nhóm khách hàng sử dụng điện) nhằm đảm bảo lộ trình tính đúng, đủ cho nhóm khách hàng sản xuất. Theo đó, phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch”có thể được xem xét để bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất từ 4 – 8% so với giá bán lẻ điện bình quân do giá bán giờ thấp điểm của nhóm khách hàng này thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 52 – 56%).
Hiện cả nước có khoảng 35.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 667.000 phòng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 phòng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 phòng.