Vẫn tăng trưởng mạnh
Tại Tọa đàm “Du lịch MICE: Xu hướng và cơ hội” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Câu lạc bộ Du lịch MICE (VMC) tổ chức chiều 14/9, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận xét, 2 năm trở lại đây, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện,… ) bùng nổ ở các nước trên thế giới.
Với Việt Nam, năm 2022, hoạt động này cũng rầm rộ hơn tất cả các loại hình du lịch khác. Đây sẽ là hoạt động chủ lực của du lịch Việt Nam trong tương lai.
Điển hình, tại Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, riêng quý III năm nay đã phục vụ tổng cộng hơn 40.000 khách du lịch MICE trong và ngoài nước. Trong đó, lượng khách MICE trong nước đạt 32.180 khách. Khách ở TP.HCM chiếm lượng lớn trong số này, với hơn 50%.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc công ty, đánh giá đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng, với 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài tăng số lượng các đoàn, quy mô mỗi đoàn khách cũng tăng đáng kể, lên tới cả nghìn người (như đi Hồ Tràm, đi Phan Thiết).
Y, dược phẩm và tài chính ngân hàng là hai lĩnh vực có nhiều công ty tổ chức du lịch sự kiện và hội nghị nhất; lĩnh vực bán lẻ gần như không có, còn nhà máy sản xuất hàng hóa năm nay đơn hàng kém nên cũng cắt giảm – kết quả khảo sát được thực hiện ngay tại tọa đàm, với sự tham gia của hàng trăm công ty lữ hành, đơn vị dịch vụ tổ chức du lịch MICE.
Bà Lê Hạnh, CEO Vietluxtour Hà Nội, nhận xét, ngoài các đoàn nhỏ gọn, trung bình vẫn có những đoàn khách rất lớn. Khó khăn kinh tế, khách thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có doanh nghiệp dành ngân sách cho du lịch MICE để đào tạo văn hóa, giá trị cốt lõi, cống hiến và đóng góp cho cộng đồng, điểm đến.
Đáng lưu ý, “chi phí cắt giảm nhưng các đoàn khách lại đặt ra yêu cầu cao về dịch vụ, ra quyết định sát thời điểm khởi hành – đây là những thách thức với du lịch MICE”, bà Hạnh nói.
Cạnh tranh khốc liệt
Với các đoàn khách MICE inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam), TS. Trịnh Lê Anh, Phó Chủ tịch VMC, thông tin, trước dịch, các công ty lữ hành tính toán, trung bình lượng khách MICE chiếm 20-30%, thậm chí tại doanh nghiệp lớn tháng cao điểm đạt 60%. Trong đó, khách MICE châu Âu chiếm khoảng 20%, được xác định là dòng khách cao cấp, chi tiêu 700-1.000 USD/ngày; khách châu Á chi khoảng 400 USD/ngày.
Hậu Covid-19, Việt Nam có nhiều dư địa phát triển, đặc biệt du lịch MICE là dòng khách chất lượng cao, giàu tiềm năng.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Fantasea Travel (đơn vị chuyên đón khách châu Á), ông Đào Việt Long, nhận xét, làm du lịch MICE cho nội địa đã khó, cho khách inbound còn khó hơn. Bởi, doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về điểm đến, về thành phố tổ chức mà cả đối thủ trong nước nên tỷ lệ thành công rất khó.
Sau Covid, du lịch hồi phục, ông nhận thấy một số tín hiệu tốt từ thị trường gần cho du lịch MICE như Malaysia, Singapore, Ấn Độ… Nhưng gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vấp phải cạnh tranh điểm đến khốc liệt từ các thị trường mạnh về du lịch MICE như Thái Lan, thậm chí cả Trung Quốc.
Ông Long dẫn chứng, nếu Việt Nam vừa ban hành chính sách visa thông thoáng từ 15/8 như cấp e-visa cho công dân tất cả các nước/vùng lãnh thổ, nâng thời hạn lưu trú lên 90 ngày; gia hạn lên 45 ngày với công dân các nước được miễn visa,… thì Thái Lan còn miễn visa 5 tháng cho khách Trung Quốc, từ tháng 9.
Nhưng ở chiều ngược lại, qua trải nghiệm thực tế không tốt, phải trầy trật thuê màn hình led với giá “trên trời” khi tổ chức sự kiện cho 300 khách Việt ở Bali (Indonesia), ông Đỗ Văn Thức, CEO Đất Việt Tour, có cái nhìn lạc quan và tích cực về tương lai và triển vọng của du lịch MICE Việt Nam. Ông cho rằng, giá cả ở Việt Nam rất cạnh tranh.
“Chúng ta có hệ thống phòng hội nghị ở khách sạn rất to, đẹp. Du lịch MICE với các đoàn khách trung bình 1.000 người trở xuống, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam có thể đáp ứng được. Chưa kể, ở Việt Nam yêu cầu gì có đó, chuyên nghiệp hơn”, ông nói.
Thiếu liên kết, đang dò dẫm
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, nhận định, MICE là lĩnh vực bứt phá, dẫn dắt sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch MICE cần có sự đồng bộ về chính sách, chiến lược. Đến nay, chúng ta chưa có chiến lược riêng về phát triển du lịch MICE. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đều tự làm, cơ quan chức năng Nhà nước thì “mày mò” trong khi du lịch MICE đòi hỏi sự kết nối đồng bộ, sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ.
“Việt Nam gần như chưa có các thống kê, nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình du lịch, về thị trường du lịch MICE”, ông Tuấn cho hay.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Đào Việt Long bày tỏ, vì không có số liệu thị trường, công ty ông phải mò mẫm, dựa trên hình dung, kinh nghiệm… là chính. Do đó, cần có số liệu đầu vào để DN có cái nhìn toàn diện và đánh giá chính xác hơn.
Dự báo cho thấy, tiềm năng của du lịch MICE toàn cầu rất lớn, đem lại nguồn thu 1.400 tỷ vào năm 2025 so với mức 800 tỷ USD của năm 2019, với hai điểm sáng là châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương nên các quốc gia đều chú trọng.
Trong khi đó, Việt Nam mới khai thác phần nhỏ loại hình du lịch này.
“Đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao là yếu tố cần thiết nhất cho du lịch MICE Việt Nam hiện nay; ngoài ra là tính kết nối, sự chọn lọc khắt khe của các điểm đến và sản phẩm khi du lịch MICE ngày càng hướng tới khách cao cấp”, ông Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.