Thị trường có sự hồi phục trở lại sau khoảng thời gian giảm mạnh đầu phiên. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép có sự tích cực. BID, HPG, FPT là 3 cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của VN-Index
Sau phiên phục hồi ở vùng hỗ trợ 1.250 điểm với thanh khoản suy giảm, VN-Index trong phiên hôm qua tiếp tục tăng điểm kiểm tra lại vùng giá 1.270 điểm tương ứng giá trung bình 20 phiên (MA20), thanh khoản tiếp tục suy giảm khi phục hồi dẫn đến áp lực điều chỉnh. Chỉ số sau đó đã có phản ứng tiêu cực tại vùng 1.264 – 1.268 điểm.
Một thông tin quan trọng đó là việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến, cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao và có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải giữ nguyên lãi suất, theo CNBC. Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi tin này, trong đó, Dow Jones giảm 422,16 điểm (-1,09%).
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể bởi các thông tin xấu ở trên. Bước vào phiên giao dịch ngày 11/4, áp lực bán đã xuất hiện ngay khi mở cửa và điều này đẩy các chỉ số lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu. VN-Index tạo Gap Down (khoảng trống giá xuống) với sắc đỏ bao trùm thị trường. Tuy nhiên, điểm sáng đã xuất hiện ở một vài cổ phiếu trong đó, nhóm thép đóng vài trò trụ đỡ cho thị trường giúp phần nào giải toả tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư.
Sang đến phiên chiều, biến động có phần tích cực hơn khi sắc xanh lan toả dần đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác như bất động sản, chứng khoán, cao su… Nhiều thời điểm trong phiên, các chỉ số đã được kéo lên trên mốc tham chiếu. Hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa phiên trong sắc xanh trong khi VN-Index có sự hồi phục mạnh mẽ nhưng chốt phiên vẫn giảm nhẹ do áp lực bán lại một lần nữa dâng cao vào cuối giờ.
Tâm điểm của thị trường tập trung ở nhóm cổ phiếu thép khi đây là sự khởi đầu của sự hồi phục chung. Trong đó, HPG bật tăng 0,8%. NKG và HSG tăng lần lượt 3,8% và 1,1%. VGS tăng đến 5,4%. Hôm nay diễn ra ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Hoà Phát, trong đó lãnh đạo công ty tiết lộ việc đang nghiên cứu làm tôn silic, làm cho các mô tơ điện, nghiên cứu và làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Ngoài ra, Giai đoạn 2 ở Dung Quất 2 sẽ làm đường ray xe lửa – không phải loại đường ray thông thường – mà là đường ray cho tàu tốc độ cao. Hòa Phát đã tiến hành những bước đầu tiên và sẵn sàng đấu thấu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Tại nhóm chứng khoán, sắc xanh chiếm ưu thế hơn rất nhiều, trong đó, BVS tăng 2,7%, CTS tăng 2%, SHS tăng 1,5%, VDS tăng 1,4%… Việc nhóm chứng khoán biến động tích cực được cho là vẫn đến từ sự kỳ vọng vận hành hệ thống giao dịch KRX.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận nhiều sự tích cực, trong đó, TCH là cái tên đáng chú ý nhất khi tăng 5,9% và khớp lệnh hơn 22,4 triệu đơn vị. Có thời điểm trong phien, TCH được kéo lên mức giá trần. Cùng với đó, DIG tăng 2,2%, TIG tăng 1,6%.
Nhóm ngân hàng hôm nay có sự phân hoá mạnh, trong đó, LPB, TCB, STB, VCB… chìm trong sắc đỏ và gây áp lực lớn đến VN-Index. VCB là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất khi giảm 0,5% và lấy đi của VN-Index 0,68 điểm. TCB giảm 1,2% và lấy đi 0,47 điểm.
BID, HPG, FPT dẫn dắt đà tăng của VN-Index |
Ở chiều ngược lại, BID tăng mạnh 1,9% và có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 1,39 điểm. Một số cổ phiếu lớn như FPT, GVR, DGC… cũng tăng tốt ở phiên hôm nay và góp phần nâng đỡ tốt cho VN-Index. FPT tăng 1%. GVR tăng 0,8%, DGC tăng 1,7%…
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index 0,36 điểm (-0,03%) xuống 1.258,2 điểm. Toàn sàn có 150 mã tăng, 308 mã giảm và 84 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,28 điểm (0,12%) lên 239,06 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 80 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (0,29%) lên 90,92 điểm.
Tổng khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt 686,8 triệu cổ phiếu, trị giá 16.545 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.754 tỷ đồng và 469 tỷ đồng. NVL khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 32,7 triệu đơn vị. VIX và TCH khớp lệnh lần lượt 26,5 triệu đơn vị và 22,4 triệu đơn vị.
Khối ngoại mua ròng trong phiên 11/4 |
Khối ngoại mua ròng trên cả 3 sàn giao dịch với tổng giá trị khoảng hơn 145 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã chứng khoán VPD của Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam với giá trị mua 148 tỷ đồng. TCH và SSI được mua ròng lần lượt 94 tỷ đồng và 85 tỷ đồng. Chiều ngược lại, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VHM với 246 tỷ đồng. KDC và VIC bị bán ròng lần lượt 86 tỷ đồng và 74 tỷ đồng.